Multimedia Đọc Báo in

Sáng mãi tinh thần Điện Biên Phủ

09:01, 07/05/2019

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh. Năm tháng qua đi nhưng tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn mãi.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Nhận định về ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn...”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại bài học lịch sử bổ ích cho công cuộc cách mạng hiện nay. Tinh thần Điện Biên Phủ trước hết là tinh thần yêu nước, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quyết chiến, quyết thắng, kết hợp tinh thần dũng cảm kiên cường với trí thông minh sáng tạo, nỗ lực phi thường để khắc phục những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, tạo nên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu để đánh bại kẻ thù.

Bộ đội Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát-xtơ-ri tại Điện Biên Phủ chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu.
Bộ đội Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát-xtơ-ri tại Điện Biên Phủ chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu.

Nhân tố chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân ta đã được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng quân thù. Từ một nhân tố chiếm ưu thế tuyệt đối, thế và lực của ta không ngừng phát triển, trở thành ưu thế toàn diện áp đảo đối phương, làm cho tập đoàn cứ điểm “vững chắc” Điện Biên Phủ trở thành nơi chôn vùi quân xâm lược.

Sức mạnh cơ bản, nhân tố chủ yếu làm nên chiến thắng của quân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không phải nằm ở vũ khí trang bị, mà là ở tinh thần, ở khối đại đoàn kết dân tộc, ở tinh thần yêu nước nồng nàn, ở ý chí quyết tâm bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc ta trước thế lực ngoại xâm.

Tinh thần Điện Biên Phủ còn là tinh thần tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn, khi thấy tình hình đã thay đổi thì mục tiêu tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ vẫn giữ vững, nhưng kiên quyết thay đổi cách đánh, dù cách đánh ấy đã thành nghị quyết đang triển khai, tìm ra cách đánh phù hợp để giành thắng lợi. Đây là bài học sâu sắc nhất về lãnh đạo và chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài học ấy đang có ý nghĩa thời sự nóng hổi đối với chúng ta hiện nay.

Đảng ta từ Đại hội VI đến Đại hội XII đã xuất phát từ tình hình thực tiễn, từng bước phát triển sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa sự nghiệp đổi mới giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Luôn gắn lý luận với thực tiễn, thấm nhuần quan điểm coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luôn bám sát thực tiễn, phân tích phát hiện, nhận thức đúng đắn những phát triển mới của tình hình thế giới và trong nước. Không chủ quan, duy ý chí, không bảo thủ giáo điều, dừng lại ở nhận thức và quan điểm cũ lỗi thời; bên cạnh đó phải dự đoán trước những khó khăn và có những quyết sách sắc bén, đột phá, nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách để giành thắng lợi cuối cùng. Có như vậy mới đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi.

Các thế hệ người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ xã hội trên thế giới vẫn mãi mãi ngưỡng mộ, tôn vinh Chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những chiến công chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Chiến thắng đó mang tầm vóc thời đại, là nguồn sức mạnh tiếp sức cho dân tộc ta giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.