Multimedia Đọc Báo in

Tâm nguyện của thân nhân cựu tù Nhà đày Buôn Ma Thuột

09:55, 27/05/2019

Nhân dịp Nhà đày Buôn Ma Thuột đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, những thân nhân cựu tù từng bị giam giữ tại Nhà đày đã có dịp về đây hội ngộ, gặp gỡ. Trong bầu không khí xúc động, thân nhân cựu tù cùng nhau ôn lại những chuyện kể qua hồi ức của cha ông, đồng thời gửi gắm, bày tỏ những tâm nguyện, kỳ vọng để Nhà đày trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Là một trong những người có mặt sớm nhất trước khi buổi Lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt diễn ra, ông Trần Hữu Thắng (con trai cựu tù Trần Hữu Dực, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) bồi hồi xúc động, lặng lẽ rảo bước tham quan quanh các dãy nhà tù. Những câu chuyện về quãng thời gian cha ông cùng những đồng đội kiên trung không chịu khuất phục trước đòn roi kẻ thù, quyết giữ vững lý tưởng cách mạng qua cuốn Hồi ký “Bước qua đầu thù” của người cha mà ông thuộc nằm lòng như tái hiện qua những hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại Nhà đày.

Đến khi được mời lên chia sẻ câu chuyện về người cha, ông kể lại không sót một chi tiết trong Hồi ký “Bước qua đầu thù” mà cha ông viết về cuộc duyệt binh lịch sử của tù nhân vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thân 1944. Cuộc duyệt binh diễn ra đúng vào 8 giờ sáng ngày mùng Một Tết ngay tại sân lớn Nhà đày với sự tham gia của tất cả tù nhân. Lần đầu tiên ngay trong Nhà đày, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa cột cờ trong niềm xúc động, tự hào của các tù nhân yêu nước. Được biết, nhằm chuẩn bị cho cuộc duyệt binh, từ nhiều tháng trước, những người tù đã lựa chọn đội hình và tổ chức tập luyện nghiêm túc để cuộc duyệt binh hôm ấy đi vào lịch sử, trở thành một cuộc biểu dương lực lượng của các chiến sĩ cách mạng trước mặt kẻ thù.

Ông Trần Hữu Thắng kể lại  câu chuyện tù nhân duyệt binh trong  Hồi ký
Ông Trần Hữu Thắng kể lại câu chuyện tù nhân duyệt binh trong Hồi ký "Bước qua đầu thù" của người cha viết.
 
“Mong muốn cháy bỏng của thân nhân cựu tù chúng tôi là trong thời gian tới, công tác quảng bá, giới thiệu Nhà đày được các cấp ngành quan tâm đẩy mạnh hơn nữa để nơi đây trở thành một địa chỉ quen thuộc cho du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu. Đó chính là bài học lịch sử cụ thể,  sinh động, thiết thực, giúp thế hệ trẻ vun đắp nên tình yêu quê hương, đất nước”.
 
Bác Châu Thị Lê, một thân nhân cựu tù bày tỏ

Cũng có mặt tại buổi lễ, bà Hoàng Thị Lương Hòa, con gái cựu tù Hoàng Anh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thể hiện sự tự hào: “Qua những câu chuyện kể trong thời gian cha bị giam cầm, tra tấn nơi đây thì với tôi, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành một trong những biểu tượng đầy tự hào của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần bất khuất không lùi bước của cha ông trước đòn roi kẻ thù.

Lớp lớp thế hệ cha ông được trui rèn trong nhà đày đã trưởng thành, trở thành những lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, quân đội, như: nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đoàn Khuê…”. Còn theo các tư liệu thì trong giai đoạn 1929-1930, 1936-1939, 1940-1945, tổng số tù nhân bị đày ở đây lên đến 3.853 người, phần lớn là đảng viên Đảng Cộng sản.

Tự hào trước những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của Nhà đày, các thân nhân cựu tù cũng còn nhiều suy tư, trăn trở trước "bài toán" làm thế nào để cùng chính quyền địa phương đưa di tích Nhà đày tương xứng với tầm vóc lịch sử, bởi thực tế hiện nay hiện vật, tư liệu trưng bày tại đây vẫn còn khá ít ỏi, nghèo nàn; cơ sở vật chất, nhiều hạng mục Nhà đày bị xuống cấp.

Ông Trần Hữu Thắng khẳng định: “Là thân nhân cựu tù, chúng tôi cố gắng nối kết, sưu tầm, bổ sung, hiến tặng các tư liệu, hình ảnh cho bảo tàng để góp phần làm phong phú kho tư liệu”. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Hữu Thắng mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan hữu quan sớm thông qua Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột mà tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng. Còn bà Hoàng Thị Lương Hòa thì cho rằng, việc nhà đày được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự tự hào, song cũng là một thách thức không nhỏ đặt ra cho chính quyền địa phương. Bà Hoàng Thị Lương Hòa góp ý: “Cùng với ngân sách địa phương, UBND tỉnh có thể kêu gọi, vận động xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột theo phương châm bảo tồn gắn với phát triển, thu hút du lịch, biến nơi đây thành địa danh, điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước khi đến với Buôn Ma Thuột”.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.