Vời vợi Mường Thanh
Bao năm rồi, vẫn những cơn gió Lào bỏng rát ấy, nhưng thung lũng được xem là chảo lửa trong chiến trận ấy nay đã khác xa nhiều lắm. Hơn nửa thế kỷ trở lại, người lính già chân đã chậm, mắt đã mờ, ông không thể đi hết, không thể nhìn rõ được bức tranh sinh động tràn đầy sức sống nơi chiến trường ác liệt năm xưa. Nhưng ông lại nhìn rõ sự biến thiên của vạn vật qua cảm quan của riêng mình.
Đó là chuyến bay thẳng của Hãng Hàng không Việt Nam đưa ông từ Hà Nội lên Điện Biên chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Ấy là chuyến xe đò đưa ông đi thăm cơ quan cũ lướt êm ru qua cung đèo Pha Đin huyền thoại đã hạ thấp độ cao, giảm bớt khúc cua và mở rộng vòng cua rất nhiều so với cung đèo cũ. Ông bảo, đó là một kỳ tích. Vì với ông cũng như bao người trong đoàn quân tham gia xây dựng Điện Biên hơn nửa thế kỷ trước, giao thông đi lại là một trong những nỗi ám ảnh, với những cung đường đèo dốc chênh vênh trắc trở đầy những cua ngoặt gấp khúc kinh hồn, những chuyến xe thưa thớt rì rì bò giữa bên vách đá vút cao xám lạnh bên vực thẳm hun hút mịt mùng, mỗi chuyến đi kéo dài vài ba ngày, chưa kể lúc mưa gió có khi kéo dài hàng tuần, khiến khoảng cách giữa Điện Biên cũng như vùng Tây Bắc với đồng bằng càng trở nên vời vợi…
Một góc cánh đồng Mường Thanh và TP. Điện Biên hôm nay. |
Cảm nhận rõ sự vời vợi cách trở ấy mới càng thêm trân trọng sự hy sinh, cống hiến to lớn của những người đã mở đường đem lại màu xanh yên ấm cho vùng đất vốn ngập chìm trong lửa đạn ngày nào. Cha tôi kể rằng vào năm 1958, ông ở trong đội quân chiến sĩ Sư đoàn 316 chuyển sang Nông trường Điện Biên, có nhiệm vụ vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa khai hoang cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất, hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng lán trại, rà phá bom mìn, khai hoang vỡ đất vất vả, hiểm nguy khôn xiết. Nông trường chia làm nhiều đơn vị sản xuất, trải dài từ lòng chảo Điện Biên đến Tuần Giáo, mà đường sá đi lại trắc trở nên việc di chuyển giữa các đơn vị rất đỗi gian nan.
Ngay tại khu vực đơn vị khai hoang, anh em vốn quen với gian nguy chiến trường mà nhiều khi cũng không khỏi ngợp trước cả rừng cây dại bời bời, chằng chịt dây thép gai, ngổn ngang vỏ đạn pháo, có khu vực bị xé nát bởi hố bom, giao thông hào. Việc khai hoang thực sự là một cuộc chiến với sự kiên trì, dũng cảm, khéo léo luồn lách từng lưỡi xẻng, mũi dao san rừng, cắt thép gai, gỡ mìn. Có người đã hy sinh, có người mang thương tật, dây thép gai chọc nát bàn tay… Với những người lính vốn "ra đi từ mái tranh nghèo" như cha tôi, công việc khai hoang vỡ đất không phải xa lạ nên bao vất vả họ cũng dần thích nghi, vượt qua. Nhưng có những thử thách khắc nghiệt mà nhiều khi chỉ người trong cuộc mới hiểu, mới “sợ”, thậm chí rất sợ. Đơn cử như gió Tây nam, thường gọi là gió Lào, anh em vẫn đùa là “đặc sản” của vùng Tây Bắc này. Ông kể rằng, khai hoang vất vả, hiểm nguy đến thế, ăn uống kham khổ thiếu thốn đến thế, mà vẫn còn “dễ chịu” hơn những trận gió Lào…
Cũng từ đó, mới thấy khâm phục sức chịu đựng, ý chí sắt đá của các chiến sĩ ngày ấy để hồi sinh vùng đất chết. Từ năm 1958 đến năm 1960, các đơn vị đã khai hoang, cải tạo bãi chiến trường ngổn ngang thành những khu đất “sạch” với diện tích cả ngàn héc-ta phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ cho chiến sĩ, công nhân viên nông trường. Gian khó, hiểm nguy vẫn chưa dừng lại ở đó. Sang giai đoạn 1965 - 1969, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các đơn vị của Nông trường cũng bị không quân Mỹ đánh phá liên tục, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nén đau thương mất mát, cán bộ, chiến sĩ công nhân nông trường càng quyết tâm lao động, chiến đấu kiên cường hơn. Kết quả những chuỗi ngày vất vả gian nguy với bao công sức, cả máu và nước mắt của những cán bộ chiến sĩ, công nhân nông trường cũng như đồng bào các dân tộc tại chỗ đã biến vùng đất hoang vu, ngổn ngang vết tích chiến tranh thành cánh đồng Mường Thanh mênh mông, đầy ắp màu no ấm. Đó cũng chính là một kỳ tích của thế hệ cha anh mà thế hệ con cháu hôm nay hết mực trân trọng.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc