Độc đáo ảnh tư liệu về các dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Với sự phát triển của mạng xã hội, di sản ảnh tư liệu ngày càng phong phú qua việc đăng tải, chia sẻ của cộng đồng mạng. Trong đó, có rất nhiều ảnh tư liệu về các tộc người thiểu số độc đáo, quý hiếm với những thông tin thú vị, bổ ích tái hiện bức tranh thiên nhiên, mảnh đất, con người Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Nhiều bức ảnh ghi lại cuộc sống sinh hoạt, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nơi núi rừng Trường Sơn - vùng đất xa xôi từng một thời quyến rũ các nhà thám hiểm và các nhà dân tộc học đầu thế kỷ 20 như: Lesopold Sabatier, cha Kemlin, Henri Maitre, Jacques Dournes, Jean Boulbet và Georges Condominas. Một số quan chức chính quyền bảo hộ, sĩ quan quân đội Pháp đam mê dân tộc học đã dùng máy ảnh ghi lại cuộc sống của các tộc người bản xứ.
Như trường hợp của viên đại úy Trumelet Faber thuộc tiểu đoàn 4 lính khố đỏ Nam Kỳ tại Huế. Được giao một số nhiệm vụ trên các vùng cao, tiếp cận với đời sống hoang dã của người “Moï”, từ Đông Dương, Trumelet Faber trở về Pháp mang theo nhiều hình ảnh chụp vào những năm 1888 - 1891, trong đó có rất nhiều bức ảnh chứa đựng chi tiết tập quán, nhưng phong tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Hoặc trường hợp nhà nhiếp ảnh Jean - Marie Duchange, từng là nhân viên y tế ở Tây Nguyên trong 4 năm (1952 - 1955). Say mê văn hóa của các dân tộc bản địa, Jean - Marie Duchange đã để lại cho vùng đất mà ông yêu mến một di sản ảnh vô giá.
Hay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Pháp René Têtard đã thực hiện nhiều bộ ảnh có giá trị về nghệ thuật và lịch sử ở nhiều địa phương của Việt Nam, đặc biệt là những bộ ảnh về dân tộc thiểu số vùng Đồng Nai thượng... Năm 1919, René Têtard đã đến làng Bobla, huyện Di Linh nơi người Cho Mạ sinh sống để thực hiện những hình ảnh, thước phim quý giá về cuộc sống, sinh hoạt của tộc người này.
Những người dân tộc thiểu số để ngực trần, đóng khố tấu chiêng trên đường phố Sài Gòn năm 1910. |
Những bộ ảnh và bức ảnh độc lạ, đặc sắc về các tộc người thiểu số được các nhà sưu tầm tư liệu săn tìm, hào hứng đón nhận và chia sẻ. Đó là vốn quý trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, giúp các nhà nghiên cứu tìm lại những dấu xưa đã mất, phai mờ theo thời gian… |
Tác phẩm của các nhà nhiếp ảnh nói trên đã được sử dụng làm tư liệu nghiên cứu xuất bản, lưu giữ, trưng bày ở các bảo tàng, in thành bưu ảnh và đưa lên các trang mạng ở nước ngoài. Gần đây, các nhà sưu tầm trong nước đã tích cực tìm kiếm, tập hợp thành nhiều bộ sưu tập di sản ảnh có giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh mọi mặt đời sống của người Việt Nam xưa, trong đó có các dân tộc thiểu số.
Dựa trên nguồn tư liệu này, nhiều tập sách, biên khảo công phu được ra đời trong những năm gần đây như: “Sài Gòn qua bưu ảnh” tập hợp 100 ảnh và bưu ảnh tiêu biểu về Sài Gòn, tập trung trên các lĩnh vực kiến trúc, văn hóa, đời sống, kinh tế; tập sách “150 năm hình bóng Sài Gòn (1863 - 2013) của Tam Thái... mà qua đó, người đọc có thể tìm thấy những tư liệu lịch sử giá trị minh chứng cho sự biến đổi của thời gian.
Trong các tập sách nói trên, có những hình ảnh thú vị về các tộc người thiểu số khiến người xem ảnh đặt câu hỏi: Có hay không có những tộc người dân tộc thiểu số đã từng sinh sống tại Sài Gòn xưa và họ là ai? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, đường Nguyễn Đình Chiểu của TP. Hồ Chí Minh xưa kia được đặt tên là Rue des Moïs để ghi dấu người Mọi, thực chất là người Mạ và người Stiêng. Đây là cư dân bản địa sinh sống ở địa bàn Sài Gòn trước khi lưu dân Khmer, Chăm và Việt đến chiếm cứ, đẩy họ lên vùng cao, thượng nguồn sông Đồng Nai.
Ông Ngô Quang Vũ (trú đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), người có nhiều năm sưu tầm các cổ vật, hiện vật, hình ảnh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã bất ngờ phát hiện tấm hình về cuộc thi sắc đẹp diễn ra tại Đà Lạt những năm đầu thập niên 1930. Trên góc phải bưu thiếp có dán con tem ghi “Postes Indochine”, đóng dấu bưu điện Đà Lạt từ năm 1935. Tấm hình có khoảng 20 thiếu nữ tham dự cuộc thi đứng trên dãy ghế cao, mắt họ cùng nhìn về một hướng; xung quanh trên triền đồi có khá đông khán giả đứng, ngồi chăm chú theo dõi; xa xa là những ngôi biệt thự kiểu Pháp ẩn hiện giữa rặng thông già, ước đoán không gian cuộc thi sắc đẹp diễn ra tại khu vực sân thể dục thể thao bên hồ Xuân Hương, Đà Lạt (nay là quảng trường Lâm Viên). Đầu tóc các thiếu nữ được bới gọn cùng một kiểu dáng, trên cổ đeo nhiều dây trang sức bằng hạt cườm, hai bên cổ tay đeo nhiều vòng trang sức. Các sơn nữ dự thi để ngực trần, bên dưới quấn xà rông bằng loại vải thổ cẩm mà họ tự dệt.
Cuộc thi sắc đẹp cho các sơn nữ đầu tiên ở Đà Lạt. |
Ngôi nhà trên ngọn cây. Ảnh: Jean - Marie Duchange |
Gần đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Kon Tum và Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc trưng bày ảnh “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX” do nhiếp ảnh gia Jean - Marie Duchange chụp. Những bức ảnh của Jean - Marie Duchange đã khắc họa sống động cuộc sống, văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Bộ ảnh cung cấp cho người xem một bức khảm chân dung sống động với các cụ ông, cụ bà, bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ… với cách phục sức hết sức độc đáo của người Tây Nguyên giữa thế kỷ 20.
Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông...), hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa...) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà mồ...) cũng được tác giả ghi hình một cách tỉ mỉ; trong đó có những bức ảnh độc lạ như bức ảnh hai cô gái Xê Đăng xăm mặt, ngôi nhà làm trên ngọn cây cao, có lẽ để cho chủ nhân canh giữ nương rẫy, chống chọi với thú dữ…
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc