Multimedia Đọc Báo in

Tinh thần quật khởi của nhân dân Nam Bộ

09:13, 23/09/2019

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, người dân Việt Nam được hưởng niềm vui nước nhà độc lập chưa bao lâu thì đến ngày 23-9-1945, được sự hậu thuẫn của thực dân Anh, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, chính thức quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai nhằm hiện thực hóa mưu đồ tái xâm lược Đông Dương.

Mục đích chính là tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ mới được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám của nhân dân ta. Nhân dân Nam Bộ buộc phải cầm súng bước vào cuộc kháng chiến đầy gian lao mà anh dũng, để bảo vệ hòa bình và độc lập cho Tổ quốc.

Trước tình thế cách mạng cấp bách, khắc sâu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”, Ủy ban nhân dân Nam Bộ ra Lời kêu gọi, phát động cuộc kháng chiến cứu nước: Độc lập hay là chết! Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp xâm lược, tiêu diệt bọn tay sai của chúng…. Hưởng ứng lời kêu gọi, quân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng dậy cầm vũ khí đánh bại các thế lực xâm lược.

Nhân dân Nam Bộ cắm chông, tạo vật cản ngăn chặn quân Pháp.
Nhân dân Nam Bộ cắm chông, tạo vật cản ngăn chặn quân Pháp.

Ngay sáng 23-9-1945, khi quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đang chống trả quyết liệt cuộc xâm lược của thực dân Pháp, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ họp tại Cây Mai - Chợ Lớn ra quyết định phát động nhân dân kháng chiến chống Pháp. Trên cơ sở phân tích tình hình, nhận định về âm mưu của thực dân Pháp và thái độ đồng lõa của quân đội Anh, Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây, cầm chân địch trong thành phố; tiêu hao dần lực lượng và làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp.

Thực hiện chủ trương “trong đánh ngoài vây”, cùng với phát huy vai trò của các đội tự vệ chiến đấu, ta đã bao vây chặt quân Pháp trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Âm mưu đánh chiếm Nam Bộ trong thời gian 3 tuần của thực dân Pháp đã bị phá sản hoàn toàn. Cuối tháng 10-1945, quân Pháp được tăng viện trợ đã phá vỡ vòng vây Sài Gòn – Chợ Lớn và mở rộng đánh chiếm toàn miền Nam. Ngày 25-10-1945, Xứ ủy Nam Bộ họp tại Thiên Hộ (Mỹ Tho) đã kiểm điểm tình hình cuộc kháng chiến và đề ra các biện pháp về quân sự, chính trị, xây dựng chính quyền... để tiếp tục đẩy mạnh kháng chiến. Bản Chỉ thị về “Kháng chiến kiến quốc” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25-11-1945 nêu rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng... khẩu hiệu vẫn là dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết. Kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược. Phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”.

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã “muôn người như một” anh dũng đứng lên với tinh thần quyết chiến và ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn diễn ra vô cùng anh dũng. Chỉ sau thời gian ngắn, ta đã tổ chức được 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí tại 16 khu vực tác chiến trọng điểm. Ở các tỉnh Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến cũng chỉ đạo thành lập những đội du kích, đội tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ chính quyền. Với tinh thần đó, chỉ trong trận mở đầu ở Tân Định, ta đã tiêu diệt gần 200 tên địch.

Có thể thấy, cuộc chiến đấu không cân sức của nhân dân Nam Bộ chống lại một đội quân hùng mạnh diễn ra hết sức ác liệt. Cuộc chiến đấu đó đã bước đầu làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Pháp và để lại nhiều kinh nghiệm về tổ chức và chỉ đạo kháng chiến, về xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang, về tiến hành chiến tranh du kích và xây dựng cơ sở chính trị ở vùng sau lưng địch. Tinh thần quật khởi “Ngày Nam Bộ kháng chiến” nói riêng có ý nghĩa hết sức to lớn, trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và ý chí chiến đấu anh dũng của dân tộc ta.

Một công binh xưởng ở Long An chế tạo vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang đánh Pháp năm 1946.
Một công binh xưởng ở Long An chế tạo vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang đánh Pháp năm 1946.

Tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào miền Nam danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” để tôn vinh tinh thần dũng cảm chiến đấu, với khí phách hiên ngang của quân và dân Nam Bộ đánh tan âm mưu của thực dân Pháp khi tái chiếm nước ta. Nam Bộ kháng chiến không những tạo ra được thời gian quý báu để Trung ương Đảng và cả nước xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc mà còn là cơ sở thực tiễn để Trung ương Đảng xây dựng đường lối cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh trong giai đoạn chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi về sau.

Phát huy tinh thần quật khởi của Ngày Nam Bộ kháng chiến, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.