Multimedia Đọc Báo in

Về Hòn Đất, viếng mộ nữ Anh hùng Phan Thị Ràng

14:58, 25/09/2019

Đến Kiên Giang, chúng tôi có dịp viếng thăm Khu di tích Lịch sử - Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn (thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất) - nơi ghi dấu nhiều chiến tích của quân và dân xứ Ba Hòn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có nữ Anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu của nhân vật Chị Sứ trong tác phẩm văn học "Hòn Đất" của nhà văn Anh Đức.

Địa danh Ba Hòn được biết đến với quần thể di tích gồm: Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo thuộc địa bàn huyện Hòn Đất. Nơi đây là căn cứ cách mạng với suối Lươn, hang Quân Y, hang Hòn - nơi che giấu bộ đội và du kích địa phương trong những trận chiến đấu ác liệt năm xưa… Khu di tích Lịch sử - Thắng cảnh Ba Hòn được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1989.

Khách tham quan tại Nhà trưng bày của Khu di tích Lịch sử - Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn.
Khách tham quan tại Nhà trưng bày của Khu di tích Lịch sử - Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn.

Toàn bộ khu di tích rộng hơn 2,2 ha nằm sát dưới chân Hòn Me. Ngay khu vực trung tâm từ cổng chào bước vào là phần mộ của Anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng với tấm bia ghi công trạng và lư hương luôn nghi ngút khói. Phía sau đó là 37 bậc thang dẫn lên khu tượng đài Chiến thắng cao 16 m; hai bên tả - hữu là hàng bia đá hoa cương cao 2 m, tổng chiều dài 70 m ghi danh 960 liệt sỹ hy sinh tại Hòn Đất và chiến trường biên giới Tây Nam. Phía trước mộ chị Phan Thị Ràng là 2 bức phù điêu án ngữ hai bên (dài khoảng 15 m/bức) như ôm lấy quần thể khu di tích, khắc họa về cuộc sống, tình quân dân và tội ác của Mỹ - ngụy tại xứ Ba Hòn. Tiến thẳng về phía trước là hố bom B52 rất lớn, được xây lại như một cái ao.

Sau khi thắp nhang trên mộ phần chị Phan Thị Ràng và tham quan đài tưởng niệm, chúng tôi đến Nhà trưng bày của khu di tích. Nơi đây đang lưu giữ hơn 60 hiện vật và nhiều hình ảnh của người dân Ba Hòn trong sinh hoạt đời thường và cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Anh Nguyễn Tuấn Đạt, hướng dẫn viên của Khu di tích Lịch sử - Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn chậm rãi thuyết minh về chị Phan Thị Ràng. Chị có bí danh Tư Phùng, sinh năm 1937, quê quán xã Lương Tri (Tri Tôn, An Giang). Năm 1950 khi mới 13 tuổi, chị đã tham gia Đội Thiếu niên Cứu quốc, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng. Năm 1960, toàn miền Nam đồng khởi, chị được Huyện ủy Hòn Đất phân công về công tác tại xã Thổ Sơn.

Một điểm nhấn khá đặc biệt đối với những ai quan tâm đến môi trường khi đến Hòn Đất là trên lưng chừng núi Hòn Me có một Trạm Cứu hộ động vật hoang dã với diện tích gần 3 ha. Tại đây các loài động vật hoang dã quý hiếm được Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã chăm sóc sức khỏe, phục hồi bản năng hoang dã để trở về thiên nhiên.

Đầu tháng 1-1962, địch tập trung hơn 2.000 quân tấn công vào vùng căn cứ Ba Hòn. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch vô cùng ác liệt, chị Ràng vừa là liên lạc viên giữa các đơn vị trong khu căn cứ, vừa tổ chức vận động nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận, phối hợp với các hoạt động quân sự buộc địch phải bỏ dở cuộc càn. Đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9-1-1962, trên đường đi làm nhiệm vụ, chị bị địch bắt. Chị Ràng bị địch tra tấn rất dã man và hy sinh vào khoảng 13 giờ, ngày 9-1-1962 khi mới 25 tuổi. Để ghi nhớ công ơn của chị, ngày 20-12-1994, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho chị Tư Phùng - Phan Thị Ràng.

Khuôn viên của Khu di tích Lịch sử - Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn.
Khuôn viên của Khu di tích Lịch sử - Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng chiến tích của một thời đạn bom ác liệt vẫn còn vẹn nguyên ở vùng đất Ba Hòn. Khu di tích Lịch sử - Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn ngày nay là địa điểm du lịch hấp dẫn bởi non nước hữu tình và những câu chuyện thời chiến tranh đã trở thành huyền thoại đầy tự hào của người Hòn Đất. Vào mùng 9 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, hàng chục nghìn người trong và ngoài tỉnh Kiên Giang lại tề tựu về Hòn Đất dự lễ giỗ nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ Phan Thị Ràng...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.