Multimedia Đọc Báo in

Đôi dòng hồi ức về đồng chí Y Ngông Niê Kđăm

10:04, 26/12/2019

Ngày 19-12-1946, thực dân Pháp hung hăng cố chiếm nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhà văn Bùi Hiển khi đó phụ trách Ty Thông tin tuyên truyền Nghệ An đã ghi nhật ký khá chi tiết về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, trong đó có thông tin về một trí thức Êđê - bác sĩ Y Ngông Niê Kđăm tham gia trong những ngày hào hùng đó.

Xin trích lại nhật ký của nhà văn Bùi Hiển:

“19-12-1946 - Vừa bắt đầu buổi truyền thanh thường lệ 8 giờ tối (mấy hôm nay công chúng đi nghe đông nghịt, hồi hộp theo dõi tình hình thủ đô nơi lính Pháp liên tục và trắng trợn khiêu khích) chợt Thái (cán bộ biên tập Ty, sau này là nhà thơ Minh Huệ) hơ hải chạy vào, nói những tin cuối cùng vừa nhận được của Đài Tiếng nói Việt Nam: 8 giờ 3 phút đèn Hà Nội tắt phụt. Bây giờ đang bắn nhau lung tung ngoài ấy.

Bèn cho phát thanh tin này, kèm theo lời hô hào: Bình tĩnh chuẩn bị kháng chiến...

30-12-1946 - Theo bài bình luận tiếng Pháp của Đài Tiếng nói Việt Nam thì quân Pháp tưởng rằng chỉ đánh trong 3 giờ sẽ làm chủ được tình thế ở Hà Nội, vậy mà đến hôm nay là đúng 10 ngày và 10 đêm rồi, chúng vẫn bị phản kích khắp mọi nơi. Tự vệ và dân quân ta tấn công vào sân bay Gia Lâm diệt nhiều quân Pháp và Việt gian, phá hủy 3 phi cơ khu trục.

Tối nay giới thiệu ông Y Ngông mở đầu buổi phát thanh bằng một câu chuyện ngắn. Ông hô hào sự đoàn kết giữa đồng bào thiểu số và đa số, rồi hát một bài bằng tiếng Êđê theo điệu “Biết ơn Cụ Hồ” (hát rất khá, đúng điệu). Công chúng vỗ tay hoan nghênh.

Y Ngông người to và thấp, vai rộng, dáng đứng vững vàng. Đôi mắt thông minh, khuôn mặt quắc thước, cười rất dễ thương. Giọng nói lơ lớ, thiếu dấu”.

***

Qua phần ghi chép của nhà văn Bùi Hiển về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Đắk Lắk có quyền tự hào khi có người con của dân tộc Êđê tham gia vào sự kiện lịch sử ấy.

Đồng chí Y Ngông Niê Kđăm (1922 - 2001).   			              Ảnh: T.L
Đồng chí Y Ngông Niê Kđăm (1922 - 2001). Ảnh: T.L

Tôi thuộc lớp hậu sinh nên không biết nhiều về cuộc đời hoạt động của bác sĩ Y Ngông Niê Kđăm đóng góp cho cách mạng. Tôi chỉ biết từ khi ông trở về quê hương Đắk Lắk với chức trách làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy, rồi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa I và liên tiếp các khóa sau cho đến khi nghỉ hưu.

Tôi ghi lại vài hồi ức về ông.

Năm 1982, tôi còn ở ngành Giáo dục, sau khi học xong Đại học Thư viện, với sức trẻ, tôi cùng đồng nghiệp xây dựng Thư viện Khoa học giáo dục, trụ sở tại 47 Lý Thường Kiệt - Buôn Ma Thuột. Thư viện có hàng nghìn đầu sách, nhiều từ điển các nước như Nga (Liên Xô cũ), Anh, Pháp…; nhiều báo và tạp chí nước ngoài. Biết ông Y Ngông Niê Kđăm đã từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục nên ngày khánh thành tôi có mời ông đến dự. Ông đã đến và phát biểu động viên chúng tôi làm thật tốt, giữ được tinh hoa văn hóa Việt Nam và nhân loại. Nhà báo Lê Thấu, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Đắk Lắk nói với tôi: “Mời được cả lãnh đạo tỉnh tới khánh thành thư viện của một ngành là quý lắm”.

Sau khi thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, năm 1992 mở triển lãm cả mỹ thuật và nhiếp ảnh với chủ đề “Đắk Lắk trên đường hội nhập”, chúng tôi cũng vinh dự được đón tiếp các ông Lê Quang Đạo, Huỳnh Văn Cần, Y Ngông Niê Kđăm cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh.

Tại trụ sở Hội Văn nghệ 172 Điện Biên Phủ, có lần nhà văn Linh Nga (con gái ông Y Ngông Niê Kđăm) đưa ông tới họp Chi hội Văn nghệ dân gian. Tôi cảm động tiến tới ôm lấy ông. Ông động viên tôi làm văn nghệ ở Đắk Lắk – một vùng còn nhiều khó khăn càng phải nỗ lực, đặc biệt chú ý đến lĩnh vực văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số.

Ngày ông Y Ngông Niê Kđăm về với ông bà tổ tiên, Văn phòng Tỉnh ủy giao cho tôi tập hồ sơ về ông để viết điếu văn. Tôi đọc mới biết ông có bí danh là Nguyễn Ái Việt (người yêu nước Việt Nam) – một danh xưng nói lên bản chất, bản lĩnh con người.

Một vài điều ghi chép, không thể nói hết được lòng cảm mến của tôi về trí thức, bác sĩ Y Ngông Niê Kđăm - một nhân cách lớn đã từng tham gia những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại thủ đô Hà Nội.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.