Multimedia Đọc Báo in

Quân dân Đắk Lắk cùng toàn quốc kháng chiến

10:30, 26/12/2019

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, với ý chí: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Hưởng ứng lời kêu gọi, toàn thể dân tộc Việt Nam đã triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, chiến đấu kiên cường dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch dài ngày trong thành phố, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ.

Địa bàn Đắk Lắk trong kháng chiến chống Pháp là chiến trường có vị trí chiến lược quan trọng. Bởi vậy, thực dân Pháp đã xâm chiếm Tây Nguyên rất sớm, chúng thực hiện chế độ trực trị nhằm biến Tây Nguyên thành vùng đất riêng, làm bàn đạp tấn công các tỉnh miền Trung và tiến quân ra Bắc hòng chiếm toàn bộ đất nước ta. Do đó, quân và dân Đắk Lắk bước vào kháng chiến trước ngày toàn quốc kháng chiến hơn một năm (tháng 11-1945), trong đó, Đắk Mil là địa phương đầu tiên nổ súng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của mặt trận Tây Nguyên nói chung.

Sau khi chiếm được Đắk Mil, quân Pháp theo đường 14 đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Đến tháng 6-1946 thực dân Pháp chiếm xong toàn bộ Tây Nguyên. Từ đó, Đắk Lắk trở thành chiến trường ác liệt, là nơi diễn ra cuộc giao tranh giằng co quyết liệt, dai dẳng giữa ta và địch trong từng khu vực, từng địa bàn chiến lược. Cũng từ đây, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk kiên cường bước vào thời kỳ chiến đấu, chặn từng bước tiến của quân thù, chống sự mở rộng chiếm đóng của địch.

Trước tình hình chiến sự ngày càng ác liệt của cuộc kháng chiến, để bảo toàn và củng cố lực lượng cho kháng chiến lâu dài, ta rút toàn bộ lực lượng quân - dân - chính Đảng về miền Tây Phú Yên. Lấy miền Tây Phú Yên làm hậu cứ, tỉnh Đắk Lắk củng cố lại lực lượng, chuẩn bị mọi điều kiện trở lại chiến trường. Để khôi phục hệ thống tổ chức đảng theo chỉ đạo của Khu ủy 6, đầu năm 1947, Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk được củng cố. Đảng bộ, chính quyền cách mạng tỉnh được khôi phục, đưa lực lượng trở lại bám đất, bám dân, lãnh đạo kháng chiến. Từ đây, các cán bộ cách mạng mở rộng hoạt động, gây dựng cơ sở chính trị, bám dân từng bước vận động nhân dân phát động chiến tranh du kích.

Quân dân sử dụng voi chở vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường Tây Nguyên và Hạ Lào.  (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn)
Quân dân sử dụng voi chở vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường Tây Nguyên và Hạ Lào. (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn)

Năm 1948, Đắk Lắk tổ chức một số đội vũ trang tuyên truyền, đồng thời thành lập Tỉnh đội 3 (Tỉnh đội Đắk Lắk). Đi đôi với mở rộng gây cơ sở chính trị, lãnh đạo phát động quần chúng, từng bước đứng lên đấu tranh về chính trị, kinh tế với địch. Hậu cứ của tỉnh và các huyện chuyển dần từ miền Tây Phú Yên lên nội tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1950, trên chiến trường Tây Nguyên, quân và dân ta thu được nhiều thắng lợi, đẩy địch lâm vào thế lúng túng, bị động. Trung ương và Liên khu ủy V chọn Nam Tây Nguyên là một trong những hướng để phát triển mạnh cơ sở chính trị và chiến tranh du kích, đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch. Do đó, hoạt động hè năm 1950 ở Nam Tây Nguyên được lấy tên là Chiến dịch Nguyễn Huệ. Với Chiến dịch Nguyễn Huệ, ta đã đặt được nền móng đầu tiên cho việc xây dựng một khu du kích, mở đường xây dựng một khu căn cứ địa trên vùng địch hậu Đắk Lắk.

Quân địch ở Đắk Lắk phải bị động đối phó với các hoạt động của quân và dân trong tỉnh. Cùng với đó, nhằm củng cố, xây dựng cơ sở, Ban Cán sự Đảng tỉnh chỉ đạo thành lập Ban cán sự Đảng huyện. Các huyện được sắp xếp lại thành 6 khu (hạt), ở mỗi khu bố trí các đội vũ trang tuyên truyền và các đại đội độc lập để xây dựng cơ sở chính trị và phát động chiến tranh du kích.

Từ sau Chiến dịch Nguyễn Huệ, địch tổ chức các cuộc càn quét từ nhỏ đến lớn nhằm bao vây, tiêu diệt các đội vũ trang tuyên truyền, các đại đội độc lập bám trụ trên chiến trường và các đoàn tiếp vận của ta vào sâu trong nội địa. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Liên khu V tăng cường Tiểu đoàn 39 chủ lực cho Đắk Lắk để cùng với lực lượng của Trung đoàn 84 giữ vững thành quả của Chiến dịch Nguyễn Huệ, chống các cuộc càn quét của địch.

Tháng 3-1951, các chiến sĩ của đội vũ trang tuyên truyền VT3-124 do đồng chí Y Blốk Êban làm đội trưởng sau khi gây dựng cơ sở ở Đắk Rồ (phía tây đường 14), chia làm hai bộ phận tiến dần vào phía nam. Đội vũ trang tuyên truyền VT3-124 kiên trì khắc phục khó khăn, móc nối với quần chúng, tuyên truyền cho quần chúng theo phương thức “vết dầu loang” làm cho cơ sở phát triển ngày càng nhanh. Ban Việt Minh xã, xã đội được thành lập. Trong năm 1951, Đội VT3-124 đã thành lập được 5 chi bộ, đây là thành tích có ý nghĩa quan trọng đầu tiên khi có sự lãnh đạo của Đảng trong đồng bào các dân tộc của tỉnh. Chi bộ Đảng sau khi thành lập đã cùng với chính quyền xã, buôn lãnh đạo, tổ chức đồng bào lập ra các tổ dân quân tự vệ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ buôn làng.

Tháng 12-1952, Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk họp Hội nghị mở rộng nhằm quán triệt Nghị quyết về công tác vùng sau lưng địch của Trung ương và Liên khu ủy; Nghị quyết về chính sách dân tộc thiểu số của Đảng và yêu cầu chỉnh Đảng, chỉnh quân của Trung ương. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tỉnh chủ trương cử cán bộ, đảng viên, chiến sĩ luân phiên nhau học tập. Sau khi dự các lớp chỉnh Đảng, chỉnh quân, cán bộ, đảng viên đều hạ quyết tâm bám đất, bám dân, gây cơ sở cách mạng trong lòng địch, phát động chiến tranh du kích và hỗ trợ phong trào nổi dậy chống địch của đồng bào Êđê, M’nông tại địa phương.

Thực dân Pháp đã xâm chiếm Tây Nguyên rất sớm, chúng thực hiện chế độ trực trị nhằm biến Tây Nguyên thành vùng đất riêng, làm bàn đạp tấn công các tỉnh miền Trung và tiến quân ra Bắc hòng chiếm toàn bộ đất nước ta. Do đó, quân và dân Đắk Lắk bước vào kháng chiến trước ngày toàn quốc kháng chiến hơn một năm (tháng 11-1945), trong đó, Đắk Mil là địa phương đầu tiên nổ súng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của mặt trận Tây Nguyên nói chung.

 

Tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tháng 7-1953, Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch quân sự Nava. Trước tình hình đó, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu quyết định tập trung lực lượng chủ lực tiến công lên Tây Nguyên, bảo vệ vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá giao thông, bao vây các đồn bốt, đánh sâu vào thị xã, thị trấn, đẩy mạnh công tác binh vận, phá kế hoạch xây dựng ngụy quân của địch.

Đêm 26-1-1954, bộ đội chủ lực của ta nổ súng đánh địch ở Bắc Tây Nguyên. Ngày 7-2-1954, thị xã Kon Tum và toàn tỉnh Kon Tum được giải phóng. Phối hợp với quân dân Bắc Tây Nguyên và các chiến trường trong cả nước, ngày 18-2-1954 quân và dân Đắk Lắk tiêu diệt đồn Ma Tê, đánh vào kho dự trữ cho chiến dịch Átlăng của địch ở buôn Ai Riêng, phá 24 kho quân trang. Tại Đắk Mil, phong trào diệt ác, phá kìm phát triển mạnh, buộc nhiều buôn trưởng, xã trưởng trong hệ thống chính quyền thực dân Pháp phải tìm gặp cơ sở cách mạng xin khoan hồng. Nhiều vùng dân cư Êđê, M’nông dấy lên phong trào bất hợp tác với địch, đấu tranh đòi chồng con trở về nhà làm cho tinh thần của binh lính ngụy thêm hoang mang, rệu rã.

Giữa lúc quân và dân các dân tộc trong tỉnh Đắk Lắk nỗ lực đấu tranh để phối hợp với các chiến trường, ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trên đà thắng lợi, quân và dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh tấn công địch, làm cho quân địch đóng trong các đồn bốt hầu như tê liệt, không dám chống đối. Cùng với đó, các đội công tác tích cực hoạt động làm cho tề, ngụy tan rã từng mảng lớn, cơ sở cách mạng được mở rộng, phía Bắc bắt liên lạc được với cơ sở tỉnh Gia Lai - Kon Tum; phía tây nam với cơ sở của Đông Miên Campuchia và phía đông với cơ sở của Lâm Viên và Đồng Nai Thượng.

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân cả nước, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của quân và dân tỉnh Đắk Lắk.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã nhất tề đứng dậy, đoàn kết chiến đấu bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng đời sống mới và đóng góp to lớn cho cách mạng. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã hết lòng, hết sức ủng hộ và đi theo cuộc kháng chiến với quyết tâm cao độ: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.