Multimedia Đọc Báo in

Phát huy giá trị Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975)

18:31, 30/04/2020

Nằm trên địa bàn huyện Krông Bông, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh (1965 -1975) là một "địa chỉ đỏ" phản ánh trung thực sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, trực tiếp là Tỉnh ủy Đắk Lắk đối với các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Lịch sử hào hùng

Trong kháng chiến chống Mỹ, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk là nơi đứng chân của Cơ quan Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành tỉnh; là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu thuộc đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây; đảm bảo sự chi viện sức người, sức của và các phương tiện cho chiến trường miền Nam kịp thời. Khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn gay go, ác liệt nhất, vùng căn cứ thường xuyên bị giặc càn quét đánh phá, rải bom, rải chất độc hóa học nhằm hủy diệt nguồn sống, đi kèm với đó là những thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, chiêu hồi, chiêu hàng rất thâm độc… Nhưng với lòng yêu nước, nghị lực cách mạng phi thường, đồng bào các dân tộc không nao núng, vừa đánh địch vừa sản xuất, tích cực tham gia kháng chiến, bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ các cơ quan đầu não của tỉnh, không những giữ vững mà còn tiếp tục mở rộng vùng giải phóng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, thống nhất nước nhà.

Họp bàn các phương án tác chiến tại cơ quan Tiền phương của Tỉnh ủy Đắk Lắk tháng 2-1975. Ảnh tư liệu
Họp bàn các phương án tác chiến tại cơ quan Tiền phương của Tỉnh ủy Đắk Lắk tháng 2-1975. Ảnh tư liệu

Chiến tranh đã qua đi nhưng Khu căn cứ vẫn giữ dấu ấn lịch sử quan trọng, khắc ghi truyền thống đấu tranh giữ nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là tình cảm sắt son, tinh thần yêu nước của đồng bào dân tộc M’nông, Êđê ở vùng căn cứ kháng chiến đối với Đảng, với cách mạng; trở thành điểm về nguồn của tuổi trẻ tỉnh nhà.

Bảo tồn và phát huy giá trị của Khu căn cứ

Khu căn cứ dựa lưng vào dãy Cư Yang Sin, dãy núi được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên với hơn 40 dãy núi cao, thấp khác nhau, có nhiều sườn dốc, những thảm rừng mênh mông và nhiều suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp. Vì vậy, ngoài giá trị về lịch sử, văn hóa, Khu căn cứ còn có giá trị thẩm mỹ, khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng; là nơi lý tưởng cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học , học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, chiêm ngưỡng, chinh phục, khám phá.

Các đồng chí lão thành cách mạng đi khảo sát, cắm mốc địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (ảnh chụp năm 2017). Ảnh: Đình Tuấn
Các đồng chí lão thành cách mạng đi khảo sát, cắm mốc địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (ảnh chụp năm 2017). Ảnh: Đình Tuấn

Để khai thác giá trị du lịch, kết hợp hoạt động về nguồn với du lịch sinh thái tại vùng căn cứ, sau khi tham quan xong các địa điểm của Khu căn cứ nằm trên núi cao, rừng sâu, người dân, du khách có thể đi đến các buôn trên địa bàn như buôn Đắk Tuôr, M’nang Dơng, H’Ngô A để nghỉ ngơi trong những nếp nhà sàn thoáng mát, tìm hiểu cuộc sống, tập tục, thưởng thức các món ăn, thức uống đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời nghe kể về những câu chuyện lịch sử, những anh hùng dân tộc, những truyền thuyết ly kỳ gắn với sự hình thành của các ngọn núi, dòng sông, con suối của Khu căn cứ.

Tuy nhiên, để có thể trở thành một địa điểm lý tưởng như vậy, cần phải có những phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Nằm trong vùng rừng núi hiểm trở, ít bị tác động và xâm hại bởi hoạt động của con người, nhưng trải qua gần nữa thế kỷ thăng trầm lịch sử với những tác động từ thiên nhiên, con người, mưa nắng nên tất cả hạng mục công trình mang yếu tố gốc như cơ quan, văn phòng, hội trường, lán trại được dựng từ cây rừng, tranh tre, nứa lát trước đây của di tích đều hư hỏng hoàn toàn. Hiện dấu tích lưu lại chỉ còn địa điểm của những cơ quan, ban, ngành, nơi tổ chức 3 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã được cỏ cây phủ xanh trên nền đất cũ và dấu vết những căn hầm trong khu vực Cơ quan Tỉnh ủy. Đặc biệt, cần có hình thức tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản đối với người dân sống trong khu vực, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của họ đối với Khu căn cứ.

Kế hoạch số 2900/KH-UBND, ngày 6-4-2020 của UBND tỉnh về Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) tại huyện Krông Bông giai đoạn 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu đưa nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí quật cường, lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau gắn với du lịch, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.