Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một câu khẩu hiệu đặc biệt

13:35, 03/05/2020

Trước ngày giải phóng H9 (nay là huyện Krông Bông) 9-5-1965, quân dân vùng căn cứ đều thuộc nằm lòng câu khẩu hiệu đặc biệt xuất hiện trong giai đoạn chống Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” 1961 – 1965: “Giang sơn chuyển mình, Krông Năng dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”…

Câu khẩu hiệu hành động thôi thúc quân và dân vùng căn cứ sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản, cần cù, sáng tạo trong lao động và ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu mà mãi đến bây giờ các cựu chiến binh vùng căn cứ vẫn còn nhớ như in.

Ảnh:Hữu Hùng
 Hang đá Đắk Tuar (huyện Krông Bông)từng là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Ảnh: Hữu Hùng

Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử cho thấy, vế đầu của câu khẩu hiệu “Giang sơn chuyển mình…” xuất phát từ việc sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 1-1959) đề ra nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà cho toàn Đảng và toàn dân, theo đó chuyển cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam từ “giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, từ hình thức đấu tranh chính trị là chính có lực lượng vũ trang hỗ trợ, chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, từ đấu tranh quân sự từng bước lên ngang hàng đấu tranh chính trị”.

Vế thứ hai “Krông Năng dậy sóng” bởi lẽ vào tháng 8-1960, tại căn cứ địa Cư Jũ – Dlei Ya thuộc huyện Krông Năng (mật danh K91), nơi đóng quân của các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất, tại đây Tỉnh ủy đã đề ra nhiều quyết sách táo bạo và sáng tạo lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ở vế thứ ba “quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”… có ý nghĩa như một lời hiệu triệu, kêu gọi đoàn kết toàn dân tộc cùng hành động hướng đến thắng lợi cuối cùng…

Với những ý nghĩa trên nên ngay khi huyện H9 (Krông Bông) còn mang phiên hiệu vùng 4 B5, một số đồng chí như Ama Thanh (Bí thư Huyện ủy đầu tiên), Ama Sai, Ama Cao, Ama Nun… được tỉnh phân công lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng 4 B5 đã phổ biến rộng rãi câu khẩu hiệu đó đến từng người dân.

Du khách tham quan Nhà tưởng niệm liệt sỹ Y Ơn Niê (huyện K rông Bông). Ảnh Hữu Hùng
Du khách tham quan Nhà tưởng niệm liệt sỹ Y Ơn Niê (xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Ảnh: Hữu Hùng

Cựu chiến binh Y Mươi Byă (thường gọi Ama Tuyên), hiện ở buôn Cư Drăm kể lại: Ngày đó, mỗi người dân vùng căn cứ đều viết câu khẩu hiệu đó dán lên mũ, nón, coi đó là phương châm hành động mọi lúc mọi nơi. Bởi vậy, khi Mỹ thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965) dồn dân, lập “ấp chiến lược”, đồng bào ở 16/20 buôn vùng 4 B5 đã sẵn sàng “tiêu thổ kháng chiến”, băng rừng lội suối “lấy hang đá làm nhà, lấy rễ tranh làm muối, lấy củ rừng thay cơm” phục vụ cách mạng; hoặc trận Mỹ thả bom khiến một nửa dân số buôn Cư Drăm thương vong nhưng không làm đồng bào nao núng mà vẫn một lòng một dạ đi theo Đảng làm cách mạng…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc