Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận người dân tộc thiểu số: Từ quan điểm của Bác tới chủ trương của Đảng ta

06:45, 27/10/2020

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách dân tộc phải được bắt đầu từ công tác cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Bởi vì hơn ai hết, cán bộ dân tộc thiểu số là người hiểu rõ thực tiễn, đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cán bộ dân tộc thiểu số sẽ là người tiếp thu và tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số.

Do đó, trong hoạt động cách mạng, Người đã lựa chọn những thanh niên ưu tú là người dân tộc thiểu số đưa đi học văn hóa, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện trong công tác thực tế. Cử cán bộ xây dựng cơ sở cách mạng ở trong các dân tộc thiểu số và phát triển hệ thống giáo dục quốc dân để từng bước đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Theo Bác, để đồng bào hiểu tăng cường đoàn kết là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn, thì cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”. Đồng thời, Người căn dặn “Cán bộ làm việc ở chỗ nào, phải học tiếng ở đấy”.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số.  Ảnh tư liệu
Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược về dân tộc và đoàn kết các dân tộc, Đảng ta đã xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số làm nòng cốt cho các phong trào cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các nghị quyết tại các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã nêu nhiều quan điểm mới, đồng bộ về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận người dân tộc thiểu số đảm bảo số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”, trên cơ sở vừa tuân thủ những nguyên tắc chung về công tác cán bộ, vừa phù hợp với tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Việt Nam.

Chỉ thị số 216-CT/TW, ngày 30-1-1975 của Ban Bí thư về Chính sách cán bộ miền núi đã đề ra yêu cầu: xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, có năng lực lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc đã nêu rõ: “Phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc” và thực sự quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về dân tộc, công tác dân tộc và vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục được bổ sung phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, đó là: Quan tâm thể chế hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận. Đồng thời xác định: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung... chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc.

Có thể khẳng định, từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận người dân tộc thiểu số, Đảng ta luôn xác định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong đó đội ngũ cán bộ có năng lực tổ chức và vận động quần chúng đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công của cách mạng.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.