"Địa chỉ đỏ" Miếu thờ CADA
Nằm ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắc), Di tích lịch sử quốc gia Miếu thờ CADA là một trong những "địa chỉ đỏ" của tỉnh Đắk Lắk. Đây là nơi ghi dấu lịch sử những năm đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai tại Đông Dương của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đầu tiên ở Đắk Lắk.
Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai này, thực dân Pháp đã xây dựng Đồn điền CADA trên địa bàn Đắk Lắk; đây cũng là thời điểm giai cấp công nhân CADA ra đời. Suốt quá trình từ năm 1922 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới chế độ bóc lột của thực dân Pháp, công nhân bị đối xử vô cùng hà khắc, đời sống hết sức cơ cực. Trong bối cảnh đó, giai cấp công nhân đầu tiên tại đồn điền đã giác ngộ cách mạng.
Miếu thờ CADA đã được trùng tu. |
Miếu thờ CADA được chính người dân và công nhân tại Đồn điền CADA đấu tranh để xây dựng trong đồn điền, biến đây trở thành điểm sinh hoạt tín ngưỡng, đồng thời gặp gỡ, trao đổi những thông tin hoạt động cách mạng. Đây cũng là nơi sinh hoạt của các tổ chức như chi đoàn thanh niên, công đoàn, đội tự vệ mật trong những năm kháng chiến chống Pháp. Miếu thờ còn là nơi diễn ra một số cuộc họp của Chi bộ Đồn điền CADA trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ; là nơi đặt hộp thư liên lạc, giao nhận nhiệm vụ, báo cáo của cơ sở cách mạng ở Đồn điền CADA.
Ông Nguyễn Đình Hải, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Pắc cho biết, trải qua thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là những năm tháng chiến tranh, di tích bị phá hủy nghiêm trọng. Đến năm 2009, toàn bộ khu di tích Đồn điền CADA được đầu tư trùng tu, nhiều hạng mục được xây dựng, làm mới như nhà trưng bày, sân vườn, miếu thờ… Đến năm 2012, Miếu thờ CADA được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, Miếu thờ CADA đã được tôn tạo lại, nằm trong một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và trang nghiêm.
Mảnh tường cũ của Miếu thờ CADA đã được rễ cây bọc lại và gìn giữ bên trong thân cây. |
Điểm đặc biệt của Miếu thờ CADA là cây đa ở phía sau khuôn viên di tích. Bên trong thân cây chính là mảnh tường cũ của địa điểm mà năm xưa các công nhân, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cách mạng đầu tiên tại đây sinh hoạt, liên lạc và hoạt động cách mạng. Trải qua bao năm tháng, những mảnh tường di tích này đã được rễ cây đa bọc lại. Những rễ cây đa tự uốn thành hình vuông góc với bức tường di tích còn sót lại.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến khẳng định: Đồn điền CADA không chỉ là một điểm du lịch đầy tiềm năng mà còn mang ý nghĩa lịch sử rất lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu và tự hào hơn về quá trình đấu tranh, giành độc lập của thế hệ cha anh. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành khảo sát không chỉ Miếu thờ CADA mà toàn khu vực Đồn điền CADA, có kế hoạch cụ thể để tiến hành trùng tu, xây dựng thành một điểm đến lịch sử có ý nghĩa trong các tour du lịch đến Đắk Lắk; từ đó đưa vào nghị quyết về kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch địa phương...
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc