Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk - 80 năm vinh quang tự hào

08:46, 23/11/2020

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Những năm 1930 – 1931, thực dân Pháp thiết lập Nhà đày Buôn Ma Thuột với mục đích chính là để đày ải và thủ tiêu tù chính trị ở các tỉnh Trung Kỳ. Sau năm 1931, chúng đày lên Buôn Ma Thuột 30 chiến sĩ cộng sản; xây cất thêm và mở rộng quy mô nhà đày. Đến năm 1936, thực dân Pháp chuyển số tù còn sống sót ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) đến Buôn Ma Thuột, Nhà đày Buôn Ma Thuột từ đó trở thành một nhà đày lớn của Pháp ở Đông Dương. Chế độ khắc nghiệt chốn lao tù không lung lạc nổi ý chí sắt đá của những người cộng sản, mà ngược lại, chính nhà tù thực dân lại trở thành trường học cách mạng. Những hoạt động của các chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào chung của nhân dân, đến sự hình thành và hoạt động của Đảng bộ sau này, mà còn gieo mầm, tạo những "hạt giống đỏ" đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Nhiều nhân sĩ, thanh niên trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân, nhưng được giáo dục, cảm hóa đã trở thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Với sự đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi của các chiến sĩ cộng sản, cuối năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong nhà đày, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động cách mạng ở Đắk Lắk phát triển thêm một bước mới. Đây là mốc son lịch sử của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu phong trào cách mạng của tỉnh chuyển kịp theo trào lưu cách mạng chung của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột.  Ảnh: Nguyễn Gia
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Gia

Tháng 5-1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh được thành lập. Từ hai đảng viên nòng cốt, đến tháng 7 - 1945, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 3 chi bộ ở đồn điền CADA, xã Lạc Sa và trong công chức thị xã. Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ra đời đã trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk ngày 24-8-1945. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk trong Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thực hiện được ước vọng của các tầng lớp nhân dân người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số Êđê, M’nông, Gia Rai... sống trong tự do, độc lập, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trong chế độ xã hội mới. Sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám cho đến khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk chỉ có một trăm ngày hòa bình để xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới. Trong thời gian ngắn ngủi đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy Trung Bộ cùng sự chi viện của đồng bào cả nước, Đảng bộ Đắk Lắk đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh phát huy tinh thần cách mạng, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước để củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh, chống giặc đói, giặc dốt, đồng thời anh dũng chiến đấu chặn từng bước tiến của quân Pháp, góp phần làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh khi thực dân Pháp quay lại xâm lược, bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 làm nức lòng và tiếp thêm sức mạnh cho toàn quân, toàn dân trong đó có quân và dân Đắk Lắk. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta. Trải qua 9 năm liên tục chiến đấu, quân và dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều hy sinh, gian khổ, tham gia đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ đã nhanh chóng gạt Pháp đưa Ngô Đình Diệm về nước lập chính phủ bù nhìn, âm mưu thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và tiền đồn chống cộng ở khu vực Đông Nam Á. Thời kỳ này, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều gian khổ ác liệt, thực hiện nhiệm vụ chống càn quét, lấn chiếm, xây dựng, bảo vệ căn cứ và vùng giải phóng, đẩy mạnh công tác vùng địch và các hoạt động vũ trang, giữ vững thế chủ động tấn công địch, đồng thời tiếp tục duy trì phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân.

Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973, Đảng bộ tỉnh đã tích cực lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đấu tranh chống địch bình định, giữ vững thế tấn công, củng cố, mở rộng các căn cứ và vùng giải phóng. Mốc son chói lọi là Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 mở màn cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, thế và lực mới để đến ngày 24-3-1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một khúc ca hùng tráng, một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975 và nhất là từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy mọi nguồn lực, vượt qua mọi thách thức, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, đến nay Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. Đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội có sự phát triển vượt bậc với 56.250 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33.795 tỷ đồng; vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4.379 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước thực hiện 75.047 tỷ đồng; diện tích cây cà phê 203.063 ha, sản lượng ước đạt 478.000 tấn; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1,2 triệu tấn; từ tỉnh thiếu lương thực, đến nay lương thực bình quân đầu người đạt 659kg/người.

Các tầng lớp nhân dân tổ chức hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII. Ảnh tư liệu
Các tầng lớp nhân dân tổ chức hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII. Ảnh tư liệu

Kết cấu hạ tầng từ chỗ gần như không có gì, đến nay hệ thống giao thông đường bộ, đường không khá thuận lợi, với Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột và hệ thống các Quốc lộ 14, 26, 27, 29 kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước. Hệ thống giao thông đến các huyện, xã ngày càng được cải tạo, nâng cấp. Y tế được quan tâm đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Giáo dục – đào tạo từng bước khẳng định vị trí trung tâm vùng; quốc phòng an ninh được giữ vững. sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc.

Về hệ thống chính trị, sau ngày giải phóng, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp luôn được quan tâm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp được nâng lên; phương thức lãnh đạo từng bước được đổi mới, là nhân tố quyết định của mọi thắng lợi. Năm 1975, Đảng bộ tỉnh chỉ có 216 tổ chức cơ sở đảng với hơn 2.400 đảng viên, năm 2004, tỉnh Đắk Lắk tách thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; đến nay Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 20 đảng bộ trực thuộc với hơn 700 tổ chức cơ sở đảng và trên 80.000 đảng viên. Dân số của tỉnh Đắk Lắk hiện nay 1,9 triệu người, với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và kiện toàn. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có tiến bộ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều hoạt động hướng về cơ sở phong phú, đa dạng, chăm lo cho lợi ích của nhân dân, tạo được các phong trào hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả.

Sau 45 năm giải phóng, gần 35 năm đổi mới, Đắk Lắk từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu với kinh tế nông nghiệp thô sơ là chủ yếu, nay đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đó chính là nền tảng cho những chặng đường tiếp theo đưa Đắk Lắk tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những kết quả to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đạt được, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một minh chứng sinh động nhất về sức mạnh của “lòng Dân - ý Đảng”, đây là hai nhân tố then chốt và trực tiếp quyết định trong bất kỳ một giai đoạn cách mạng nào.

Hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk sinh thái, bản sắc, thực sự thành trung tâm dịch vụ tài chính, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của 80 năm qua, làm rõ những bài học kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tận dụng tốt thời cơ để phát triển. Theo đó, Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo với nông nghiệp và dịch vụ, nhất là du lịch. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, bảo đảm  an sinh xã hội. Giữ vững quốc phòng – an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác nội chính, tư pháp, đối ngoại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

TP. Buôn Ma Thuột -  quê hương 10 - 3 anh hùng trên đường đổi mới. Ảnh: Hoàng Gia
TP. Buôn Ma Thuột - quê hương 10-3 anh hùng trên đường đổi mới. Ảnh: Hoàng Gia

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục, những thắng lợi vẻ vang, những bài học kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh sẽ còn mãi mãi với thời gian. Thế hệ hôm nay và con cháu đồng bào các dân tộc trong tỉnh mai sau sẽ đời đời ghi nhớ công lao của bao lớp cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng quê hương; lao động cần cù, sáng tạo, cống hiến công sức, trí tuệ để thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chặng đường 80 năm ấy đã góp phần xứng đáng vào tiến trình lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam; góp phần xứng đáng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.

                                                                                                                  TS. Bùi Văn Cường

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.