Những cái Tết của Quân Giải phóng
Nhân Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đọc lại những chuyện về những cái Tết của Quân Giải phóng trong chiến tranh mà rưng rưng cảm động…
Tết chiến khu
Lần giở những trang hồi ký của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, càng thấm thía giá trị những cái Tết ở chiến khu.
Sinh thời, Thượng tướng Trần Văn Trà từng tâm sự rằng vì hoàn cảnh chiến tranh nên khi tới Tết cổ truyền, người chiến sĩ Quân Giải phóng không thể đoàn tụ với gia đình nên hầu như ai cũng có nỗi niềm riêng se sắt trong lòng. Hiểu được tâm tư ấy, Tư lệnh Trần Văn Trà cùng chỉ huy các cấp luôn chăm lo cho cái Tết chu đáo nơi chiến khu. Từ cơ quan chỉ huy cao nhất chiến trường đến từng đơn vị bộ đội đều có tiêu chuẩn ăn Tết. Nghèo vật chất nhưng giàu tình nghĩa, phong phú về tinh thần, ấm áp trong một đại gia đình, đảm bảo cho người lính… vui như Tết!
Văn công biểu diễn trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu |
Theo đó, tại các cơ quan thuộc Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, cuối năm đều có bộ phận chuẩn bị cho Tết cổ truyền. Nhà ở được trang trí bằng các loại đèn làm bằng tre và giấy pơ-luya nhuộm đủ các màu, với nhiều hình thù trông rất sinh động, vui mắt. Cây nêu trước sân được dựng lên. Có những ngôi nhà còn dựng cổng chào tam quan bằng lá đùng đình, với đôi liễn ghi câu đối viết theo lối chữ nho trông rất đẹp. Con đường Thống Nhứt xuyên rừng nối các cơ quan bộ vốn lặng lẽ bỗng chốc rộn ràng mới mẻ hẳn lên. Các chị nuôi, anh nuôi được sự hỗ trợ của quân y, văn phòng và những người khéo tay cùng gói bánh tét, bánh chưng, bánh ít, làm các loại mứt, dưa hành, củ kiệu. Nồi quân dụng cỡ lớn đặt trên bếp Hoàng Cầm nấu bánh lửa đỏ bập bùng. Sáng mùng một, mọi người ăn mặc tươm tất chỉnh tề đi chúc Tết các cơ quan lẫn nhau. Những trận đấu giao hữu bóng chuyền, cầu lông cũng diễn ra sôi nổi; và có cả múa lân, đầu lân thô sơ tự làm. Được biết, nhà văn Nguyễn Thi, tác giả của “Người mẹ cầm súng” nổi tiếng cũng tham gia giữ đuôi múa lân. Chẳng cần bài bản, múa vui là chính. Xoong nồi dùng đánh thay trống thúc lân.
Chào Xuân trên đỉnh Trường Sơn
Trên đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, tuyến vận chuyển vũ khí, hàng hóa, lương thực, quân nhu... quan trọng nhất của hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, khi mùa mưa vừa dứt, mùa hanh khô đến, nắng bừng lên là không khí Tết đã bừng lên trong từng ánh mắt, lời nói của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Trong khi cánh mày râu đang rôm rả bàn chuyện thì các nữ chiến sĩ lặng lẽ tìm dưới đáy ba lô những chiếc áo sơ mi với đủ sắc màu, chuẩn bị khoác lên mình, góp phần làm cho cánh rừng Trường Sơn thêm tươi mới. Có cô còn băng rừng đến những vùng sâu, cách xa đường tuyến mà bom đạn kẻ thù chưa đến được để bưng những giò phong lan về chăm sóc chờ đón Tết… Ngoài những món đồ hộp được hậu phương cung cấp, mỗi đơn vị thường cử ra một tay súng thiện xạ nhất vào rừng sâu săn bắn để có thêm mấy ký thịt tươi cải thiện trong ngày Tết.
Bộ đội ở chiến khu đọc thư Tết từ quê nhà. Ảnh tư liệu |
Đêm ba mươi, chờ đón giao thừa trong căn nhà nửa nổi nửa chìm, đèn dầu ma-dút bốc khói mù mịt, đài bán dẫn được tăng cường đôi pin mới - lúc hát chèo, khi ngâm thơ… Chuyện trò chán chê, mọi người nghêu ngao hát, đem bát đũa ra gõ nhịp. Trời dần sáng, một năm mới bắt đầu, lại cùng nhau hồ hởi xông đất, xông hầm. Các đoàn xe vẫn rầm rập hướng ra mặt trận. Bộ đội lái ô tô dừng xe vào chúc Tết bộ đội công binh, tay bắt mặt mừng, lời chào lời chúc vang lên át cả tiếng bom rơi đạn nổ, ai cũng chúc cho tiền tuyến thắng lớn để đất nước hòa bình, giang sơn thu về một mối!
Chiến tranh ác liệt, những cái Tết của người lính vì thế cũng quý giá vô cùng. Đó mãi mãi là những khoảnh khắc đẹp nhất, là nguồn động lực lớn để họ vững chí, bền gan thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Đỗ Thị Ngọc Diệp
Ý kiến bạn đọc