Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những ngày tháng hào hùng…

05:55, 10/03/2021

Đã 46 năm trôi qua nhưng cứ mỗi độ tháng Ba về, trong tâm trí già làng Y Wăn Niê (tên thường gọi Ama Săng, ở buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng hào hùng tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk 10-3-1975...

Năm 19 tuổi, chàng thanh niên người M’nông Y Wăn Niê đã tham gia làm giao liên cho cách mạng tại xã Ea Drui ở huyện H9 (nay là hai xã Hòa Phong và Cư Pui), một công việc thường xuyên đi về như “con thoi” và cái chết cũng luôn cận kề nếu để xảy ra sơ suất nhỏ. Công việc của Y Wăn là tiếp nhận và chuyển giao công văn từ huyện đến các đầu mối ở các trạm giao liên của tỉnh; dẫn đường đưa đón cán bộ lãnh đạo các cấp đi công tác. Để bảo đảm tính bí mật và an toàn tuyệt đối, tổ giao liên xã Ea Drui của Y Wăn thường có ba người, khi làm nhiệm vụ mỗi người phải đi cách xa nhau 10 mét, người thứ nhất và người thứ hai có trách nhiệm quan sát phía trước và hai bên đường; nếu địch phát hiện thì hai người đi trước phải dùng chiến thuật “nghi binh” đánh lạc hướng để người thứ ba mang tài liệu hoặc bảo vệ cán bộ rồi tìm đường khác đi.

Ở tuổi ngoài 70 nhưng ông Y Wăn vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhiều chuyến công tác ngày ấy. Ông kể: Vào ngày 5-3-1970, ông tham gia vận chuyển tài liệu về trạm giao liên T45 của tỉnh, khi đến ngã ba buôn Bhung, Blăk (nay thuộc xã Cư Pui), nghe tiếng nói chuyện của một số tên địch đang phục kích, hai người đi trước ra ám hiệu để ông Y Wăn mang công văn, tài liệu mở đường khác đi. Cũng với cách đánh nghi binh quen thuộc, sau khi cất giấu tài liệu xong, ông Y Wăn bọc hậu về phía sau lưng địch nhắm bắn thẳng tiêu diệt tại chỗ 2 tên, sau đó địch đổ bộ máy bay trực thăng để tải thương và dùng nhiều hỏa lực bắn vào tổ giao liên nhưng ông và đồng đội vẫn an toàn. Hoặc có lần đưa đoàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của H9 đi họp tại H10 (huyện Lắk ngày nay), phát hiện địch tổ chức mai phục ở khu vực thôn 1 (xã Hòa Lễ) trên Tỉnh lộ 12 ngày nay, ông Y Wăn và các đồng đội trong tổ giao liên chia nhau mở đường xuyên qua những cánh rừng trong dãy Cư Yang Sin đưa đón đoàn cán bộ “đi đến nơi, về đến chốn” an toàn tuyệt đối.

Già làng Y Wăn Niê kể lại kỷ niệm những ngày tham gia kháng chiến.
Già làng Y Wăn Niê kể lại kỷ niệm những ngày tham gia kháng chiến.

Đặc biệt, trước tháng 10-1971, thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V tại buôn Ngô, ông Y Wăn được phân công làm nhiệm vụ dẫn đường cho đoàn dân công gần trăm người vận chuyển lương thực, thực phẩm lên núi Cư Yang Lơ làm công tác hậu cần phục vụ Đại hội. Để tránh máy bay địch phát hiện, đoàn dân công đi rất khẩn trương, có ngày cả đoàn chỉ ngủ 2 - 3 giờ; tuy gian khổ, vất vả nhưng ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1975, ông Y Wăn sau khi được cử đi học trường A91 đã chuyển về C32 Huyện đội H9, với cấp hàm Đại úy. Trong trận chiến giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk tháng 3-1975, đơn vị ông được điều động tham gia giải phóng các địa phương phía Bắc tỉnh. Vào 8 giờ 30 ngày 11-3-1975, đơn vị ông bao vây chặt đồn buôn Blach (H5) kêu gọi địch đầu hàng. Khiếp sợ sức tấn công như vũ bão của ta ở Buôn Ma Thuột, bọn địch ở đây đã buông súng đầu hàng vô điều kiện, quân ta tiếp quản đồn Blach mà không tốn một viên đạn.

Trải qua những năm tháng ác liệt, gian khổ nên ông Y Wăn Niê luôn trân trọng nghĩa tình đồng đội. Khi đồng đội hy sinh, ông đều chôn cất cẩn thận; từ sau ngày đất nước giải phóng đến nay, ông đã trực tiếp dẫn các đoàn quy tập được 18 mộ liệt sĩ. Cụ thể: quy tập được 4/5 mộ ở đồn Dân Vệ (khu vực địch đóng quân ở buôn Ngô, buôn Đăk Tuôr); 8 mộ liệt sĩ ở khu vực Hố Kè (trong đó có 4 liệt sĩ nữ quê Thái Bình); 6 mộ ở khu vực gần thác buôn Ngô… Điều khiến ông day dứt trong lòng suốt mấy chục năm qua, là vẫn chưa tìm được ngôi mộ cuối cùng trong số 5 ngôi mộ liệt sĩ do ông chôn cất ở khu vực đồn Dân Vệ. Gần đây, vào ngày 2-3-2021, ông cùng đội K51 của tỉnh lại một lần nữa tiếp tục đi tìm song vẫn không có hy vọng.

Năm 1990, trở về với cuộc sống đời thường, ông Y Wăn Niê tích cực lao động sản xuất. Gia đình ông khai hoang được 6 ha đất, sau khi chia cho con cái làm ăn, vợ chồng ông còn 1 ha cà phê, 1 ha sắn và 6.000 m2 ruộng nước. Từ năm 2013 đến nay, ông được buôn làng tín nhiệm làm già làng buôn Ngô A. Nay tuy tuổi đã lớn nhưng già làng Y Wăn Niê vẫn luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, xung kích, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động; thường xuyên, vận động bà con trong buôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, giữ gìn các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.