Multimedia Đọc Báo in

Ký ức H9

09:51, 28/04/2021

Khu căn cứ kháng chiến H9 (nay thuộc huyện Krông Bông) là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đắk Lắk từ năm 1965 đến năm 1975. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, quân và dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết, kiên cường chiến đấu, giúp H9 là huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng.

Đóng vai trò là trung tâm đầu não của tỉnh, H9 đã đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk như một dấu son chói lọi, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tỉnh ủy Đắk Lắk đối với các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Khu căn cứ là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu thuộc đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây; đảm bảo sự chi viện sức người, sức của và các phương tiện chiến tranh cho chiến trường miền Nam. Trải qua những thử thách gay go, ác liệt, nhất là đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn đánh phá của Mỹ - ngụy, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở Khu căn cứ kháng chiến H9 đã anh dũng, kiên cường xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến, giành dân, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho Tỉnh ủy Đắk Lắk lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, thống nhất nước nhà.

Giờ đây, chiến tranh đã qua đi, nhưng trong tâm trí của nhiều người con đã “vào sinh ra tử” tại căn cứ địa cách mạng H9 vẫn còn nguyên vẹn ký ức của một thời “gian lao mà anh dũng”. Đó là ký ức về những trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch cùng những chiến công vẻ vang của quân và dân ta. Đó cũng chính là những tháng ngày địch điên cuồng trút bom, đạn đại bác khiến Krông Bông không có nơi nào là không có dấu vết bom, đạn địch. Những tháng ngày đó, dù thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc chữa bệnh… kéo dài, nhưng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn kiên cường bám trụ, vừa tăng gia sản xuất, nhường cơm sẻ áo để đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, vừa rào làng, cắm chông, bố phòng để chống địch đi càn.

Lực lượng du kích xã Khuê Ngọc Điền tập luyện bắn máy bay bằng súng bộ binh.  Ảnh tư liệu
Lực lượng du kích xã Khuê Ngọc Điền tập luyện bắn máy bay bằng súng bộ binh. Ảnh tư liệu
Ngày 9-3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 822/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia: Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) xã Cư Pui, Yang Mao, Hòa Phong (huyện Krông Bông).

Gia đình già Y D’hăk Niê Kđăm (buôn Tun, xã Yang Mao) là gia đình giàu truyền thống cách mạng tại huyện Krông Bông. Năm 1971, khi già Y D’hăk 17 tuổi đã tham gia đội du kích tập trung, trực tiếp tham gia chiến đấu, bảo vệ buôn làng. Theo lời kể của già Y D’hăk, những năm 1966 – 1971, Mỹ - ngụy điên cuồng càn quét, thả bom đạn dọc sông Krông Bông, nhưng người dân xã Yang Mao nói riêng và huyện Krông Bông nói chung không hề sợ hãi mà còn hăng say chống giặc. Người già, người yếu thì đi dân công hỏa tuyến ngắn ngày, người khỏe hơn thì đi dân công hỏa tuyến dài ngày. Có một lần địch càn quét vào vùng căn cứ tại các xã Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao, đội du kích của già Y D’hăk có 13 người nhưng hy sinh tới 10 người. Những người còn lại phải nén đau thương, quyết tâm giữ vững tinh thần để bám đất, giữ làng.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Trương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền, ký ức về H9 của ông không chỉ là những năm tháng chiến đấu ác liệt giữa ta và địch mà in đậm trong tâm trí ông là tinh thần quật cường, một lòng tin Đảng, tin cách mạng của người dân Krông Bông. Ông Trương chia sẻ, với sự lãnh đạo tài tình của chính quyền và sự đoàn kết đồng lòng của quân và dân, năm 1965, toàn huyện H9 được giải phóng. Đây là cơ sở để xây dựng lực lượng cách mạng phục vụ cho kháng chiến, huyện trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của tỉnh. H9 là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, chẳng hạn như: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, IV và V. Người dân tại vùng căn cứ rút vào các hang đá, núi để ở, vừa tránh sự càn quét của địch vừa hoạt động cách mạng. Các phong trào như “diệt ác, phá kìm”, góp quỹ nuôi quân, du kích, vót chông… và công tác huy động dân công vận chuyển vũ khí, lương thực về căn cứ sục sôi trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Chính tinh thần anh dũng này đã góp phần làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3-1975.

Đời sống của người dân khu căn cứ H9 ngày càng khởi sắc. (Trong ảnh: Phụ nữ buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui ủ rượu cần).
Đời sống của người dân khu căn cứ H9 ngày càng khởi sắc. (Trong ảnh: Phụ nữ buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui ủ rượu cần).

Sau khi Nam – Bắc về chung một nhà, Krông Bông là một vùng đất hoang vu, đổ nát. Người dân từ các hang núi, hốc đá về lại buôn làng. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Trương, lúc bấy giờ xã Khuê Ngọc Điền chỉ còn 163 hộ. Chính quyền xã đã nhận thêm hơn 1.000 hộ dân từ các tỉnh miền Trung đi kinh tế mới vào. Từ những cánh đồng hoang, người dân đã khai hoang, phục hóa thành đồng ruộng, làm thủy lợi để trồng lúa nước, đời sống chủ yếu là tự cung tự cấp, không điện, không đường sá. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa V ra đời vào ngày 13-1-1981 về khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã đưa máy móc, đội cơ giới vào sản xuất, đây là một cuộc “cách mạng” trong công tác sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Không chỉ trong ký ức của già Y D’hăk hay ông Nguyễn Văn Trương mà trong tâm trí của người dân Krông Bông, căn cứ H9 mãi là địa danh đầy tự hào về một thời hoa lửa “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của nhân dân trên địa huyện nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.