Multimedia Đọc Báo in

Bức ảnh hoàn hảo của một nhà báo chiến trường

14:51, 19/06/2021

Sinh ra và lớn lên trong thời bình, những phóng viên chúng tôi rất khâm phục các thế hệ đi trước - những nhà báo chiến trường với những tác phẩm báo chí sinh động, mang đậm hơi thở chiến trường, lột tả sâu sắc tinh thần chiến đấu kiên cường của bộ đội ta.

Ngắm những bức ảnh báo chí của phóng viên chiến trường trong kháng chiến có thể thấy: Ảnh rất sinh động, không lặp lại, không rập khuôn; nhân vật được chụp rất phong phú; địa điểm, sự kiện trải rộng, diễn ra ở khắp nơi, thời điểm bấm máy khác nhau, góc chụp của từng nhà nhiếp ảnh lại càng khác biệt. Một trong những tác phẩm “để đời” là bức ảnh “Hiên ngang” mà nhà báo Vũ Tạo (1940 - 2007) của Thông tấn xã Việt Nam chụp tại Phủ Lạng Thương, Bắc Giang năm 1967.

Trung tâm bức ảnh là khẩu pháo cao xạ 37 ly cùng nhóm pháo thủ giữa hai cột khói bom nổ rất gần, hiên ngang nhả đạn vào lũ giặc trời. Hai cột khói bom dữ dội thành “chiếc khung ảnh” tôn vinh những người lính cao xạ Việt Nam. Khi bức ảnh ra đời được mọi người đặt cho khá nhiều tên: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Gan thép”… và “Hiên ngang” là tên chính thức đặt cho tác phẩm. Có thể thấy, nhà báo đã lấy được lửa khói ở đầu nòng pháo nổ rất dữ dội, nền của ảnh lại là các khung thép vòm cầu Long Biên lộ ra trong khói bụi mù mịt. Súng đặt ngay bên cạnh cầu, đợi khi máy bay Mỹ lao xuống cầu dội bom, bắn rốc két là quân ta nhằm thẳng đầu máy bay bắn lên. Sự đối đầu sống chết, sự sống ngự trị cái chết - đó là tầm vóc con người, gương mặt con người kiên cường giữa bom đạn.

Tác phẩm “Hiên ngang” của nhà báo Vũ Tạo.
Tác phẩm “Hiên ngang” của nhà báo Vũ Tạo.

Để có được bức ảnh như vậy cũng có yếu tố may mắn nhưng vô cùng nguy hiểm. Nhà nhiếp ảnh đứng trong trận địa, đúng tầm dội bom của máy bay Mỹ. Với ống kính Tele 135 của máy ảnh Exakta Cộng hòa dân chủ Đức (chưa phải loại tốt nhất lúc bấy giờ), nhà báo Vũ Tạo chỉnh khuôn hình thu gọn hai đụn khói bom làm nền cho ảnh, và lấy nét vào các pháo thủ đội mũ sắt, đeo nùn rơm sau lưng để cản mảnh bom đạn. Cái nùn rơm nẹp bằng tre chống mảnh bom mang chất “dân cày” của những người lính sinh ra từ nền văn minh lúa nước càng khắc họa thêm nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nhà báo Vũ Tạo từng kể: “Bom nổ dữ dội nhưng lính cao xạ cứ thản nhiên như không, khiến mình cũng lỳ hơn. Tiếng bom vừa phát ra, mặt đất rung lên, mình liền ghì chặt máy ảnh vào trán, “nín thở, bóp cò”. Nhờ vậy, ảnh nét căng và không bị chao mờ”.

Cuối 1967, kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Liên Xô (cũ), “Hiên ngang” đoạt giải Ba cuộc thi và triển lãm Vì sự nghiệp nhiếp ảnh do Hội Nhiếp ảnh Liên Xô tổ chức tại thành phố Volgagrad. Tiếp đó, bức ảnh giành giải A của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1968, đến 2007 được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật một cách hoàn toàn xứng đáng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhiệm vụ của người làm báo hôm nay cũng sang trang mới. Nhưng những nhà báo thời chiến như Vũ Tạo mãi là những gốc đa cổ thụ sum suê tỏa bóng, “tiếp lửa” để các thế hệ kế tục phát huy truyền thống, không ngừng phấn đấu..

Đỗ Thị Ngọc Diệp

Phóng viên Báo - Truyền hình Quân khu 5

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.