Multimedia Đọc Báo in

Làm báo trong căn cứ cách mạng

09:43, 20/06/2021

Cứ mỗi lần đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi lại bồi hồi, nhớ lại thời gian làm báo ở rừng cùng những người anh, người bạn vô cùng kính quý.

Xin nói thêm, lúc đầu Ban Tuyên giáo phụ trách chung cả khối Văn hóa, Giáo dục, Y tế. Sau mới tách các tiểu ban trực thuộc Ban Tuyên giáo. Những người làm báo thuộc tiểu ban Văn hóa là chính, khi cần thì bổ sung, điều động các ngành khác.

Họa sĩ Phan Thế Cường ở Nam Định, vào Đắk Lắk từ năm 1965, có thể coi là người mở đầu cho nền mỹ thuật của tỉnh. Có lần đang ở khu sản xuất lương thực tự túc tại huyện Krông Bông, anh được điều động về Dleiya để chụp ảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh và phải vượt đường 21 (nay là đường 26) mà địch còn chốt chặn. Có lần tôi gặp Phan Thế Cường ở HC38 (mật danh địa điểm trao trả tù binh) nằm bên sông Krông Bông có cây lộc vừng lớn, những chùm hoa rủ dài rất đẹp. Sợi dây song nối hai bờ sông để kéo bè qua lại. Thời đó HC38 có cơ sở khang trang. Phan Thế Cường đang vẽ pa nô, áp phích và cả những ký họa về chiến tranh, sau này hoàn thành đưa vào tập tranh của mình được Nhà xuất bản Mỹ thuật in trang trọng. Anh đã được triển lãm riêng phòng tranh tại thủ đô Hà Nội. Anh còn vẽ tranh cổ động cỡ nhỏ treo ở lối vào HC38, minh họa cuộc sống trong kháng chiến chống Mỹ có chiến đấu, sản xuất và cả lớp bình dân học vụ. Phần lớn là anh vẽ minh họa ca dao của Trần Tú Nhơn bên Tỉnh đội.

Vùng giải phóng rộng mở, năm 1970 Thông tấn xã Việt Nam điều Lâm Quý, người dân tộc Cao Lan ở Yên Bái đến để có tin, bài nhanh nhạy từ chiến trường. Lúc bấy giờ chuyển bài rất khó khăn, phải qua máy của Tỉnh ủy hoặc Tỉnh đội. Bản tin của Lâm Quý được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng trân trọng giới thiệu, quân dân Đắk Lắk càng phấn khởi. Lâm Quý còn là nhà thơ. Anh viết nhiều, hay nhất là bài “Đồng cỏ biển xanh”, ngoài việc nghĩ tới các nông trường cà phê, cao su... còn nghĩ đến Đắk Lắk là vùng chăn nuôi đại gia súc. Thật lãng mạn và tràn đầy niềm tin vào con đường đã chọn.

Ngô Minh Kha sau này là Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin chưa quên ngày đi xin tấm bia mộ. Người dân thực sự tin yêu cách mạng mới đồng ý việc này. Chính anh là người gùi cõng tấm bia từ Cư M’gar về Krông Bông vượt qua đường 14 và đường 21, về cơ quan lại cùng anh em mài nhẵn mặt sau tấm bia. Chính anh viết chữ ngược rất đẹp để in li tô cho những bản tin tuyên truyền, cổ động.

Ông  Nguyễn Trúc kể chuyện kháng chiến cho các bạn trẻ tại suối Đắk Tuôr  (xã Cư Pui, huyện  Krông Bông).     Ảnh:  Châu Phan
Ông Nguyễn Trúc kể chuyện kháng chiến cho các bạn trẻ tại suối Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Ảnh: Châu Phan
Năm 1996 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, tại Đà Nẵng đã khánh thành tượng đài ghi danh các liệt sĩ làm văn nghệ - báo chí tại Bảo tàng Quân khu 5. Tôi đã được về dự. Trên tấm bia khắc tên tuổi các liệt sĩ có liệt sĩ Hoàng Thi, quê Phú Yên hy sinh tại Đắk Lắk. Đây là liệt sĩ duy nhất ở Đắk Lắk hy sinh vì sự nghiệp báo chí.

Nguyễn Hữu Trí sau giải phóng là Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ, từng là thiếu tá binh địch vận, giỏi tiếng Pháp nên được cử đi khai thác để lấy tài liệu từ các tù hàng binh người nước ngoài, giúp các cấp lãnh đạo nắm thêm tình hình địch. Anh chịu khó ghi chép, yêu văn chương báo chí. Sau này anh đã xuất bản tác phẩm: “Hồi ức mùa xuân” viết về Tết Mậu Thân 1968 được bạn đọc yêu thích.

Nguyễn Trúc (Trúc Hoài) được Ban Tuyên huấn giới thiệu về HC38 lấy tin. Giấy giới thiệu đó được coi như thẻ phóng viên ngày nay. Mậu Thân 1968 anh vào cắm cờ giải phóng tại các trường học ở Buôn Ma Thuột. Có lần anh được giao giữ trung liên chặn địch cho đồng đội rút khỏi đồi Điện ảnh khi địch tràn vào căn cứ, Nguyễn Trúc bị viên đạn sượt qua ngực, bây giờ vẫn còn vết sẹo chạy dài. Đồi Điện ảnh thuộc Krông Bông, nơi đội chiếu phim đóng quân nên gọi là Điện ảnh. Nguyễn Trúc quê ở Bình Định, sau giải phóng là Phó Ty Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ham viết và ghi chép cẩn thận đã giúp anh có tác phẩm bề thế là tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” để trả nợ ân tình vùng căn cứ cách mạng. Anh cũng làm thơ viết báo. Chất lãng mạn làm nên nhà giáo - chiến sĩ Trúc Hoài.

Làm báo thời ở rừng còn có công của các anh, chị gùi cõng giấy mực từ cửa khẩu Kỳ Lộ - Phú Yên hay các đồn điền của Đắk Lắk mà ta móc nối, cài cắm để mua hàng. Giấy mực coi như vũ khí, lương thực của báo. Việc phát hành qua đường giao liên và có không ít người đã hy sinh cùng với gùi công văn báo chí.

Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến tên các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia viết tin. Nhất là dịch ca dao, dân ca từ tiếng Kinh ra tiếng Êđê và ngược lại, như các đồng chí Huỳnh Văn Cần, Ama H’Oanh, Ama Thương, Ama Pheng. Trong đó, Ama Pheng là người duy nhất ở Đắk Lắk được dự bồi dưỡng lớp viết báo của Trung ương Cục miền Nam đóng tại Tây Ninh.

Ôn lại một thời làm báo ở rừng để tự hứa với mình: Viết thế nào để xứng với đồng bào, đồng chí, đồng đội của mình cho ta có hạnh phúc hôm nay.

Tháng 6-2021

Hữu Chỉnh


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​