Vai trò của Luật tục Tây Nguyên trong cộng đồng
Năm 1884, trong cuốn “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước”, Ăngghen đã có những nghiên cứu về quản lý xã hội của các xã hội thị tộc châu Âu và châu Mỹ và đưa ra những nhận xét, so sánh cơ chế quản lý xã hội của các xã hội thị tộc với xã hội hiện đại. Ông viết “Không có quân đội, hiến binh và cảnh sát, không có quý tộc, vua chúa, tổng đốc, trưởng quan và quan tòa, không có nhà tù, không có các vụ xử án – thế mà mọi việc đều trôi chảy. Mọi sự xích mích và tranh chấp đều được giải quyết bởi tập thể những người có liên quan….. Mọi việc đều do những người hữu quan tự giải quyết lấy và trong đa số trường hợp, một tập quán lâu đời đã giải quyết trước tất cả mọi việc rồi”.
Trả lời cho câu hỏi vì sao trong bối cảnh xã hội hiện nay, luật tục Tây Nguyên vẫn có hiệu lực xã hội ở các cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, chúng ta có thể vận dụng những nhận xét của Ăngghen viết cách đây cả hơn 100 năm để lý giải.
![]() |
Lễ hội mừng năm mới của người Ba Na ở Tây Nguyên. (Ảnh: T.L) |
Thứ nhất, trong xã hội hiện đại, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật còn trong các xã hội thị tộc, xã hội được quản lý bằng dư luận xã hội. Luật tục Tây Nguyên đã khai thức được sức mạnh của dư luận xã hội để điều chỉnh các hành vi của cá nhân, các mối quan hệ xã hội cũng như quan hệ giữa con người với tự nhiên. Khi một thành viên của cộng đồng thực hiện các hành động trái với luật tục, họ sẽ bị lên án, chỉ trích mạnh mẽ với các cơ chế chê, phạt công khai bởi một tập thể. Đồng thời, khi họ có những hành động phù hợp với ứng xử cộng đồng, họ sẽ nhận được sự khen thưởng của tập thể. Trong xã hội có tính cộng đồng cao, nhiều ý kiến cho rằng trong nhiều trường hợp, người ta sợ sự trừng phạt của dư luận xã hội hơn là sự trừng phạt từ pháp luật.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện hành động, các cá nhân chịu sự điều chỉnh khá mạnh từ tín ngưỡng tôn giáo. Ở cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, thần linh là một bộ phận quan trọng gắn liền với con người, với súc vật và cây cối. Trong luật tục Tây Nguyên, chúng ta thấy yếu tố thần linh đã được đưa vào các điều luật để điều chỉnh các quan hệ cộng đồng nhằm bảo vệ lợi ích chung. Xét cho cùng, ý nguyện của thần linh cũng là ý nguyện của cộng đồng. Người ta chú ý xin phép thần linh tha thứ cho việc gây ra tội lỗi và thề nguyền trước thần linh không tái phạm. Trong ứng xử của luật tục, người ta không quá quan tâm tới sự công bằng cho từng cá nhân mà điều quan trọng hơn cả là lợi ích cộng đồng. Điều này khiến cho luật tục được thực hiện một cách tự giác.
Thứ ba, đặc trưng tự quản thể hiện khá rõ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay. Đó là các xã hội có tính cộng đồng cao dựa trên nguyên tắc ứng xử bình đẳng thương yêu vốn có nguồn gốc từ một xã hội không có bóc lột, con người cùng gắn bó với nhau trong các quyền lợi về sở hữu đất rừng và phân phối sản phẩm. Luật tục Tây Nguyên có tính dân chủ cộng đồng cao (thể hiện ở các khâu xây dựng, thi hành và kiểm tra), có tính quần chúng cao, phổ cập sâu rộng với hình thức truyền miệng, sử dụng văn vần có tính hình tượng.
Như vậy, luật tục Tây Nguyên có hiệu lực bởi luật tục được xây dựng, thi hành, kiểm tra trong những xã hội có những điều kiện phù hợp cho sự tồn tại của luật tục. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình quản lý xã hội trên địa bàn Tây Nguyên, đồng thời khẳng định vai trò của luật tục trong bối cảnh phát triển bền vững vùng Tây Nguyên hiện nay.
Ý kiến bạn đọc