Multimedia Đọc Báo in

Lễ cấp sắc - nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao ở Ea M’roh

17:09, 02/07/2011

Về thôn 13, xã Ea M’roh, huyện Cư M’gar nơi có 98% người Dao sinh sống và tận mắt chứng kiến nghi lễ cấp sắc, một nghi lễ truyền thống luôn hiện hữu vẹn nguyên từ bao đời nay, bạn mới hiểu được đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người dân nơi đây.

Với người con trai dân tộc Dao, cấp sắc là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời. Bởi theo quan niệm của họ những người đã trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của nhà trời. Lễ cấp sắc của người Dao cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Người đã qua lễ cấp sắc thì dù là trẻ con vẫn được coi là người lớn, được ngồi với già làng, tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho những thầy cúng trong các lễ cúng của gia đình, cộng đồng. Còn chưa được cấp sắc thì dù có lớn tuổi bao nhiêu người dân trong làng vẫn xem đó như một đứa trẻ chưa trưởng thành. Ngồi trước hiên nhà, ông Đặng Hữu Kim  vừa đưa ly trà nóng nhâm nhi, vừa kể cho tôi nghe sự tích của lễ cấp sắc. Theo tục xưa truyền lại: “Ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên ổn, vui vẻ trên các triền núi, thì bỗng một hôm không biết từ đâu rất nhiều ma quỷ xuất hiện. Chúng giết hại bà con, ăn thịt vật nuôi, phá hoại mùa màng, làm cho cuộc sống dân bản khắp một vùng rộng lớn chìm trong tang tóc thê lương. Thấy cảnh bất bình, Ngọc Hoàng bèn sai quân lính xuống trừ họa cho dân nhưng đánh nhau suốt ba tháng ròng, người nhà trời không thể giết hết ma quỷ do chúng quá đông. Ngọc Hoàng liền kêu gọi người trần gian cũng phải biết tự cứu lấy mình. Nhưng vì, người trần gian không có phép thuật nên hễ đánh là thua. Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi sắc phong cho một cái tên để cùng với quân nhà trời trừ yêu diệt quái. Nhờ có sự hiệp lực giữa trời và người mà tất cả ma quỷ đều bị tiêu diệt. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông đã lập gia đình có lòng muốn giúp dân trừ họa. Lễ cấp sắc ra đời từ đó và lưu truyền đến tận ngày nay”.

Người Dao ở thôn 13, xã Ea M’droh đang biểu diễn Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc mình.
Người Dao ở thôn 13, xã Ea M’droh đang biểu diễn Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc mình.
Với người Dao thời gian tiến hành làm lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch hoặc tháng 1 năm sau, đây là khoảng thời gian nông nhàn người dân không ai bận rộn và có thể tới tham gia chúc mừng cho các gia chủ trong ngày lễ. Một lý do khác là vào thời điểm này nhà nào có người làm lễ cũng đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật để dâng lên Ngọc Hoàng, các vị thần và tổ tiên. Bởi một năm trôi qua cũng là khoảng thời gian đủ cho một gia đình nuôi lớn 2 con lợn (1 đực, 1 cái) chuẩn bị cho việc cúng bái trong lễ cấp sắc, cũng như chuẩn bị đủ lợn, gà, rượu, gạo, tiền …để làm cỗ thiết đãi dân làng và mời thầy cúng. Chị Triệu Thị Muối cho biết: “Năm trước, để chuẩn bị làm lễ cấp sắc cho chồng, gia đình tôi đã đi mua 3 con lợn về nuôi từ tháng 2, trồng gần 2 sào lúa nếp …”. Thông thường lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, đây là nghi thức thông thường được diễn ra trong lễ cấp sắc của người Dao. Bậc 2 họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã và cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Ở mỗi cấp thì gia chủ phải mời số thầy cúng theo số đèn mà mình được cấp sắc, thường một lễ cấp sắc 3 đèn thì cần 3 thầy, 7 đèn thì 7 thầy. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới. Buổi lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc nhiều người nhưng phải là số lẻ. Trong các gia đình, người đàn ông có vợ thường là những người được cấp sắc, tức là để được coi là người đàn ông trưởng thành bắt buộc phải qua lễ cấp sắc. Trước khi hành lễ, người cấp sắc không được nói tục chửi bậy, không được để ý đến phụ nữ…. quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người được làm lễ. Kết thúc lễ, gia đình có con cháu được cấp sắc mời anh em, họ hàng cùng ăn cơm, uống rượu để mừng cho con, cháu của mình đã được công nhận trưởng thành.

Có thể nói, lễ cấp sắc ngoài thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Dao, còn thể hiện đạo lý làm người, hướng người ta tới cái thiện, giáo dục mọi người nhớ tới cội nguồn và tổ tiên.

Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Dân tộc Dao
11:05, 21/06/2011
Dân tộc Dao
11:05, 21/06/2011
Dân tộc Cơ-tu
10:55, 13/06/2011
Dân tộc Cơ-tu
10:55, 13/06/2011
Dân tộc Cờ Lao
10:31, 09/06/2011
Dân tộc Cờ Lao
10:31, 09/06/2011