Multimedia Đọc Báo in

Những nét độc đáo của văn hóa Chăm ở Tây Nam bộ

09:59, 27/09/2013
Có một nền văn hóa đặc sắc mang dấu ấn văn minh, văn hóa dòng Islam Tây Nam Á hiện diện và tồn tại trên miền đất Tây Nam bộ qua hàng mấy trăm năm với nhiều thăng trầm, biến động… Bạn hãy đến An Giang để tìm hiểu khám phá đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán của cộng đồng người Chăm nơi đây; trong đó hai huyện Phú Tân và An Phú là nơi có các cộng đồng người Chăm cư trú khá lâu đời.

Cũng như người Chăm ở các nơi hiện nay, người Chăm ở An Giang có nguồn gốc, xuất xứ từ Nam Trung bộ, thuộc vương quốc Chăm Pa cổ. Dọc theo sông Hậu từ Châu Đốc trải dài đến giáp biên giới Campuchia có 7 làng Chăm là: Châu Giang, Đa Phước, Châu Phong, Lama, Vĩnh Tường, Búng Lớn, Búng Bình Thiên, Đồng Cô Kỵ. Hiện nay có khoảng hơn 2.000 hộ với trên 13.000 người Chăm Islam sinh sống, cư trú tại đây và cộng đồng Chăm ở An Giang vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của tín đồ theo đạo Islam.

Một đám cưới người Chăm.    Ảnh: T.L
Một đám cưới người Chăm. Ảnh: T.L

Những nét văn hóa độc đáo ấy được thể hiện ở các lễ hội. Có thể nói lễ hội là những sinh hoạt văn hóa quan trọng, không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc Chăm. Người Chăm có rất nhiều lễ hội. Các lễ hội tiêu biểu của người Chăm An Giang gồm có:      

Lễ tạ ơn (Asura) được tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng Hồi lịch (Hồi lịch thường sau âm lịch 1-2 ngày). Theo truyền thuyết của người Chăm dòng Islam, do loài người đã có lúc suy đồi đạo đức nên khiến đấng Allah tức giận, ngài làm nên một trận đại hồng thủy nhấn chìm tất cả đất đai, làng mạc để trừng phạt con người. May mắn thay, khi ấy có một vị thần nhân từ đã dùng gỗ đóng một chiếc bè lớn chở mọi người đi lánh nạn lụt. Về sau, mỗi năm vào ngày ấy, người Chăm Islam hành lễ, nấu nhiều món ăn truyền thống cúng bái, tạ ơn vị thần kia.

Lễ cầu an nhằm xin thánh Allah ban cho con người sự bình an, sức khỏe, mưa thuận gió hòa để sản xuất nông nghiệp, làm ra lúa gạo, ngũ cốc.

Lễ mừng sinh nhật Nhà tiên tri - Giáo chủ Mohammed vào ngày 12-4 Hồi lịch hằng năm, là dịp để tín đồ, con cháu, hậu duệ người Chăm tìm hiểu về nguồn gốc, sự khai sinh, xuất hiện của đạo Hồi.

Lễ Ramadan là tháng ăn chay của người Chăm theo đạo Hồi. Ramadan bắt đầu từ mùng 1 đến ngày 30 của tháng thứ 9 Hồi lịch. Bước vào tháng Ramadan, mỗi ngày mọi người phải nhịn ăn từ trước khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn; riêng trẻ em dưới 15 tuổi được miễn chế độ này. Qua giờ quy định, người ta có thể ăn uống tự nhiên thoải mái. Ý nghĩa của lễ Ramadan là sự sẻ chia, cảm thông với những người nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc trong cộng đồng để mọi người yêu thương nhau hơn.

Lễ hội Roya (Tết dân tộc): Tết Roya diễn ra trong ba ngày, từ ngày 1-3 tháng 10 Hồi lịch. Đầu tiên những nam giới trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) sẽ đến giáo đường hành lễ, cầu nguyện trong một ngày, những ngày sau đó họ đến nhà hàng xóm thăm hỏi, chúc tụng, chia nhau những món bánh, thức ăn. Người Chăm ở An Giang gọi lễ hội này là “Roya yêu thương”. Vào dịp lễ Roya, người Chăm ở An Giang thường vui vẻ tiếp xúc chân tình, cởi mở, nồng hậu đối với du khách cũng như bà con các dân tộc anh em đến viếng, tham quan làng Chăm.

Ngoài ra, nét độc đáo trong văn hóa người Chăm ở An Giang còn được thể hiện ở một số nghi lễ mang dấu ấn phong tục, tập quán gắn liền với đời sống, sinh hoạt như:

Lễ cưới: Theo phong tục dòng Islam, chuyện cưới hỏi của trai gái người Chăm là do cha mẹ quyết định. Khi người con trai muốn lập gia đình, cha mẹ anh ta sẽ tìm hiểu và nhờ ông cả của làng ngỏ lời với bên gái. Qua mai mối, nếu được chấp nhận, nhà trai sẽ tiến hành lễ dứt lời (lễ hỏi). Đúng ngày hẹn, bên nhà trai mang lễ vật đến nhà gái gồm một mâm trái cây và các vật dụng cho cô dâu như áo dài cưới, xà rông, khăn đội đầu... Vài ngày sau, nhà gái “trả lễ” nhà trai một mâm bánh và nhà trai trao một phong bì tiền cho nhà gái.

Trong ngày cưới, cô dâu thường mặc áo dài truyền thống màu sáng đẹp, rực rỡ, trùm khăn ren và được trang điểm rất đẹp cùng với các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, hoa tai, xuyến... Trang phục của chú rể là chiếc áo dài truyền thống màu trắng, đầu vấn khăn sà-pạnh. Lễ cưới của người Chăm ở An Giang thường diễn ra trong 3 ngày và 1 đêm với các nghi thức như: Lễ Akad Nikad (lễ hôn phối), lễ Takhôk Khage (lễ lên ghế), đêm Malâm Anưk Thàgà (đêm con gái), lễ Penan Tin (lễ đưa rể). Ngày đầu tiên là ngày họp họ, ngày thứ 2 là ngày “lên ghế”, ngày thứ 3 là ngày diễn ra lễ Pengan Tin (lễ đưa rể). Một vị chức sắc hoặc một người có uy tín trong làng cầm một chiếc khăn tay dẫn chú rể về nhà vợ, theo sau là đoàn nhà trai đưa rể cầm lọng, ô, vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống, ca hát những bài hát Chăm và thánh ca dài theo đường làng, ấp xóm.

Khi đã có mặt đông đủ đại diện hai bên gia đình và thầy cả, nghi thức kà pụn (bắt tay giao con) sẽ được tiến hành nghiêm túc – đây là nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới của người Chăm dòng Islam. Cha đẻ cô dâu hoặc người thay thế sẽ cầm tay chú rể nói: “Ta gả con gái ta tên… cho con với số tiền sính lễ là...” và chú rể sẽ đáp lại: “Tôi đồng ý cưới… với số tiền sính lễ là...”. Sau đó thầy cả sẽ kiểm tra sính lễ của nhà trai mang qua. Mọi việc ổn thỏa, những người có mặt cùng với thầy cả sẽ đọc kinh cầu nguyện chúc phúc cho cô dâu, chú rể sống trăm năm hạnh phúc. Sau thủ tục này, đôi nam nữ trở thành vợ chồng chính thức.

Tang ma: Khi trong nhà có người hấp hối, gia đình sẽ cho những người thân đến đọc kinh Cô-ran, mục đích là cho người sắp từ trần có thể ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Khi người thân tắt thở, gia đình làm lễ “pagalao” tức là công nhận người ấy đã “chết thật” và dùng tay vuốt nhẹ từ trán xuống trên khuôn mặt người đã khuất. Người chết, theo tục lệ, phải được chôn ngay trong ngày (24 giờ). Người Chăm không sử dụng quan tài, khâm liệm, nhạc lễ, hương đăng, bái lạy cho người quá cố. Trước khi đem an táng, người chết được tắm rửa cẩn thận theo nghi thức. Sau đó được bó trong một tấm vải màu trắng (ka-panh) có kích thước phù hợp với thi thể, không được dùng kéo cắt, chỉ may và cũng không được dùng vải tốt, “ka-panh” được xé ra quấn vào người chết  và  phủ hờ  khuôn mặt. Sau khi được bó vào trong vải, người chết được đặt trên một cái kiệu nằm gọi là “ham-đu” và đem đến thánh đường làm lễ “sambahyang mayit” (cầu hồn, cầu nguyện), tiếp đến mới đem ra nghĩa trang. Trong đám tang  của người Chăm cấm sử dụng kèn trống và không được khóc lóc. Khi người chết được đặt xuống huyệt, thi thể phải tiếp xúc với đất, cấm che lót phía dưới (đất trở về với đất), cấm chôn theo đồ đạc, quần áo, tài sản. Mộ người chết đơn sơ, không có núm (bằng phẳng), chỉ có hai phiến đá (khắc tên tuổi, nguyên quán năm sinh, năm mất...) ở đầu và chân. Sau khi an táng, người nhà thường xuyên tới thăm, đọc kinh Cô-ran cầu nguyện cho linh hồn người quá cố được sớm lên thiên đàng theo đấng Allah.

Ngoài các lễ hội truyền thống mang biểu hiện tôn giáo, tín ngưỡng, người Chăm ở An Giang còn tổ chức nhiều lễ hội khác: Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm Búng Bình Thiên ở huyện An Phú (tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9); Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang được tổ chức hai năm một lần tại các huyện có dân tộc Chăm sinh sống. Trong các lễ hội thường có các  trò chơi dân gian: đẩy gậy, kéo co, đua ghe…; trong liên hoan văn nghệ có các thể loại ca, múa, nhạc cụ thể hiện bản sắc dân tộc; ngoài ra, còn có các tiết mục trình diễn trang phục, phục dựng lễ cưới truyền thống nhằm giới thiệu sinh động, rõ nét đặc trưng văn hóa Chăm.

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.