Multimedia Đọc Báo in

Không gian sống của người Hà Nhì

09:22, 06/12/2013

Là cư dân bản địa có bề dày cư trú hàng trăm năm dọc biên giới Việt – Trung, đồng bào dân tộc Hà Nhì sớm có ý thức gắn bó với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sớm biết xây dựng công trình thủy lợi dân gian, đắp đập, làm mương máng để tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trong điều kiện địa hình hiểm trở và thiên tai khắc nghiệt.

Định cư nơi địa đầu đất nước

Người Hà Nhì chú trọng chăn nuôi gia súc, gia cầm là rất phổ biến ở mỗi gia đình. Nghề thủ công đan lát, dệt vải, nhuộm chàm cũng rất phát triển ở các làng bản. Người Hà Nhì chọn đất tốt trồng bông, phụ nữ dệt vải trên khung cửi nhỏ, kỹ thuật dệt khá cao lại được nhuộm chàm nhiều lần nên rất bền đẹp. Mô hình sản xuất đã quyết định đến hình thức cư trú và tạo lập không gian sống của người Hà Nhì.

Một bộ phận người Hà Nhì từ xưa chuyên làm nương du canh nên sống cuộc đời du cư thường không ở thành những bản làng cố định mà cư trú phân tán theo nương rẫy và di chuyển theo nương rẫy. Đồng bào cư trú theo chòm bản đôi ba nhà hoặc bốn, năm nhà là nhiều.

Bộ phận người Hà Nhì làm ruộng bậc thang và làm nương rẫy định canh thì sống định cư. Nhiều bản đã tồn tại hàng trăm năm với số hộ đông đúc quây quần từ 30 - 70 nóc nhà. Dù định cư hay du cư đồng bào vẫn bám trụ trên sườn núi cao thuận tiện với phương thức canh tác và cố kết cộng đồng làng bản của họ.

Săn bắt, hái lượm không còn là nguồn sống chính, nhưng vẫn để lại dấu ấn quen thuộc trong đời sống đồng bào, thể hiện sự gắn bó mật thiết với núi rừng, sông suối và mối quan hệ tương tác giữa thiên nhiên với con người Hà Nhì nơi biên cương Tổ quốc.

Không gian sống mang tính đặc trưng

Dân tộc Hà Nhì có đặc điểm riêng biệt là không phải ở nhà sàn như các dân tộc anh em trong vùng mà ở trong các ngôi nhà đất trình tường, có bộ khung được hình thành trên cơ sở các vì kèo. Phổ biến các ngôi nhà theo kiểu vì kèo ba cột, một cột cái còn gọi là cột nóc và hai cột con còn gọi là cột quấn. Nếu nhà có thêm hàng hiên nữa thì có hàng cột thứ tư nữa là cột hiên. Cột được liên kết với kèo thành vì kèo mà không có xà nối với cột bên trong. Mô hình nhà trình tường Hà Nhì phổ biến hiện nay vẫn kiểu nhà vì kèo ba cột và một cột hiên ngoài tường. Nhà hai gian hai chái. Trong nhà bà con chia hai phần theo chiều dọc nhà để bố trí không gian ở cho phù hợp tập quán.

Phần bên ngoài, chái nhà bên phải đặt cối giã gạo, chái nhà bên trái là nơi đặt giường nằm dành cho khách ngủ. Tại đây có đặt một bếp phụ của ngôi nhà, bếp tiếp khách. Phần bên trong chia các phòng nhỏ, bên phải là phòng con dâu, tiếp là phòng bố mẹ chính chủ, ở đó có bàn thờ tổ tiên.

Để tạo dựng không gian sống nhà ở cho mình, đồng bào rất cẩn trọng trong việc xây cất. Đầu tiên dùng đá xếp gọn, lát phẳng ở bên dưới và hai bên, đổ đất nền lên trên rồi đầm, nệm, nén chặt thành nền nhà. Đồng bào dùng đất sét trình tường có độ mịn, độ chắc rất cao, dày 0,4 - 0,5 mét, cao từ 3-4 mét. Trình xong phần tường để khô ráo, chắc rồi mới dựng mái, làm gác, làm cửa, ngăn buồng. Mái nhà thường đặt độ dốc cao, áp lên khung tường. Nhà người Hà Nhì thường có hình chữ nhật, cũng có nhà vuông nhưng ít và thấp.

Nhà trổ cửa đi ở chính diện gian giữa. Qua cửa vào là một phần hiên nhà kín đáo rộng 1 mét tới là bức tường nhà dày ngăn cách lòng nhà. Trông xa căn nhà Hà Nhì như thể bộ lô cốt chắc chắn. Đó chính là mô hình nhà phòng thủ truyền thống để bà con đối phó với thiên tai, giặc giã, thú dữ và mọi mối nguy hại khác.

Trong gian nhà đó mỗi gia đình có bàn thờ riêng, các anh em trai cùng bố trí có chung một bàn thờ bố mẹ. Không có hình thức nhà thờ họ, không thờ cúng chung cho cả dòng họ. Anh con trai cả thường được trông nom việc thờ cúng. Nếu mất đi, con trai thừa kế tiếp nối. Không có người thừa kế thì em trai thứ, trai út thay thế. Trong không gian sống đó, vấn đề hôn nhân lại ít bị ràng buộc. Nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu, kết đôi chồng vợ. Có hai hình thức cưới do bố mẹ đi hỏi và cưới không qua ăn hỏi, nhưng đám cưới nhất thiết phải cưới hai lần. Lần một cưới diện hẹp, lần hai cưới mở rộng với nhiều nghi thức tín ngưỡng và thu hút cộng đồng tới dự cưới.

Ngày nay dẫu có nhiều thay đổi song tập quán và không gian sống Hà Nhì vẫn còn đó những giá trị truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn, phát huy.

  (Theo LangVietOnline)


Ý kiến bạn đọc