Multimedia Đọc Báo in

Tục thờ cúng của người Mã Liềng

12:10, 07/06/2014
Người Mã Liềng (dân tộc Chứt) sống dưới dãy núi Giăng Màn của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong quan niệm của đồng bào Mã Liềng, thế giới bao quanh họ: núi rừng, sông suối, trời đất, nhà cửa... đâu đâu cũng có những lực lượng thần ma trú ngụ.
 
Theo họ, thần, ma cũng biết ăn uống nên làm bất cứ việc gì họ đều cúng bái, dâng lễ vật. Ví dụ: Trong mỗi lần đi săn, trước hết, chủ nhà phải đến cạnh cột nhà “cô lôốc” - nơi ma nhà ngự trị để cầu khấn. Khi săn được muông thú họ cúng tại chỗ cho thần thổ địa một ít lông, đuôi và mẩu tai của con thú săn được. Về đến nhà, đồng bào còn phải cúng đầu thú cho các loại thần, ma…

Hoặc khi gieo hạt, thu hoạch lúa hay làm nhà, cưới vợ, gả chồng cho con... người Mã Liềng đều cúng với lễ vật để cầu khấn ma, thần phù hộ cho công việc trôi chảy. Có thể kể tên một vài loại ma của người Mã Liềng: Ma trời (cu muých); ma nhà (cu muých nha); ma bếp (cu muých pếp); ma rú (cu muých brú); ma suối (cu muých troóơ)... Trong các loại ma đó, ma trời được coi là quan trọng nhất, cai quản toàn bộ các loại ma khác. Nhưng thực tế ma có ảnh hưởng đến đời sống đồng bào nhiều nhất là ma nhà. Ma nhà (ma ông bà, tổ tiên đã chết) ở ngay cột chính của ngôi nhà sàn (cột cô lôốc). Chính những lực lượng siêu nhiên đó đem đến may mắn, thành đạt trong đời sống lao động, sản xuất hằng ngày, và cũng là căn nguyên của mọi rủi ro. Muốn tăng thêm may mắn, hạn chế rủi ro, không còn cách nào khác là phải cúng tế thường xuyên.

Đối với người Mã Liềng vạn vật đều hiện hữu và linh thiêng; vũ trụ được phân thành ba tầng với những thế giới của thần, ma, con người cụ thể. Điều đó cũng lý giải phần nào cách bố trí bàn thờ ba tầng của họ. Tầng cao nhất là tầng thờ trời (Plời). Ở tầng này họ thờ những đấng thần linh tối cao vô hình cai quản. Đó là thần mặt trời (sợn mo át plời), thần mặt trăng (sợn pụ lo an), thần gió (sợn kã jó), thần mây (sợn may), thần định mệnh (sơn kuy lòj)... Theo người Mã Liềng, việc xảy ra thiên tai, dịch bệnh là do các thần trên trời giáng phạt. Muốn trừ tai họa, phải thường xuyên cúng tế, cầu nguyện để các thần vừa lòng. Tầng giữa (pên ni) là tầng thờ ma ông bà, tổ tiên, ma rừng, ma suối, vạn vật sinh sống. Còn tầng dưới cùng (Pên hệ) là tầng dành riêng cho những người xấu (kẻ gian ác, người chết bất đắc kỳ tử...). Họ cho rằng, người xấu khi chết, vía bị giam cầm dưới mặt đất, hoặc biến thành những con vật bẩn thỉu, hoặc biến thành ma ác gây hại cho con người.

Một lễ cúng của người Mã Liềng.
Một lễ cúng của người Mã Liềng.

Người Mã Liềng còn có các tập tục cúng tế khác như trong buổi lễ tìm đất làm nương rẫy (lễ klôống), khi đi tìm đất, chủ nhà mang theo lễ vật gồm rượu, xôi, thịt... Đến đám đất vừa ý, họ đặt lễ vật xuống một gốc cây to, hoặc trên một hòn đá lớn để cúng thần đất, thần núi phù hộ cho mùa màng được tốt tươi. Cúng xin thần linh xong, chủ nhà phát quang một đám nhỏ làm dấu. Vài đêm sau, nếu nằm mộng thấy điềm tốt thì nghiễm nhiên họ chọn đám đất đó để làm rẫy.

Còn ở buổi lễ lấp lỗ (klốplô), lễ cúng được tiến hành sau công việc chọc lỗ tra hạt. Mục đích của nghi lễ này là cầu mong thần linh phù hộ cho mưa gió thuận hòa, thú rừng khỏi quấy phá mùa màng. Lễ vật thường có cơm, rượu, muối, nước, thịt rừng. Chủ nhà dọn lễ vật ở góc rẫy, rồi mời gọi các vị thần về nhận lễ. Trong các vị thần linh về nhận lễ, có vị thần trông coi thú rừng là thần phụ nữ trần truồng. Vì vậy, khi cúng chủ nhà phải quay lưng lại nơi để lễ vật, để tránh nhìn thấy vị thần nữ đó. Lễ vật cúng xong, chủ nhà ăn một ít, số còn lại để nguyên ở rẫy không được mang về nhà.

Mùa săn bắn của người Mã Liềng bắt đầu vào tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Cứ đến tháng 9, trưởng bản (Pự Cavel) cử những người đi săn giỏi vào rừng săn thú. Thú săn được sẽ vứt bỏ phần ruột, rồi quay chín cả con trên bếp lửa. Mọi thành viên trong bản mang theo lễ vật như: củ mài, củ sắn, gạo, nếp, rượu... đến  một địa điểm đã định sẵn. Lễ cúng thường tổ chức vào buổi sáng. Khi thầy cúng (chôblú) và trưởng bản cúng xong, họ cắt đầu, tai, đuôi, bốn chân của con thú rồi mang vào chỗ đã bắt được con vật để cúng thần săn. Sau đó, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ...

Người Mã Liềng coi thế giới tự nhiên và con người đều có linh hồn. Cho nên, họ đã tổ chức cúng tế, dâng lễ vật, ma thuật… rất bài bản, phức tạp và tốn kém. Càng ngày những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đó của người Mã Liềng diễn ra ít dần theo hướng bỏ đi các phong tục tập quán lạc hậu; chắt lọc những hoạt động mang tính tích cực, tác động đến công cuộc định canh định cư, xây dựng cuộc sống ấm no, hòa nhập và đi lên cùng với xu thế phát triển chung với các dân tộc anh em trong cả nước…

Nguyễn Tiến Dũng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.