Thiêng liêng bếp lửa người Tày
Sinh sống từ lâu đời ở vùng cao Tây Bắc, người Tày luôn coi bếp lửa là linh hồn trong đời sống văn hóa của mình. Trong mỗi căn nhà sàn truyền thống, bếp lửa luôn được đặt ở vị trí trang trọng.
Bếp lửa của người Tày có ba loại khác nhau: một bếp đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách và là nơi giữ lửa cho tất cả các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình; bếp thứ hai được đặt cạnh giường của người già với mục đích giữ ấm trong mùa đông; bếp cuối cùng dùng để chế biến thức ăn, bếp này thường được dựng ở một gian riêng.
Người Tày khi dựng nhà thì việc làm đầu tiên là lập bếp lửa và nổi lửa để tạo hơi ấm sự sống của căn nhà. Khi làm nhà, người ta thiết kế ô chính giữa nhà để đặt bếp, khu vực đặt bếp có thấp hơn sàn nhà khoảng 5cm. Trước đây, người Tày dùng ba tảng đá để làm “ba ông đầu rau” nhưng hiện nay, cuộc sống hiện đại, người dân dùng kiềng ba chân để đặt bếp tuy nhiên vẫn lồng ba tảng đá ở bếp giống như một biểu tượng của thần bếp. Nghi lễ đốt bếp được người Tày tổ chức trang trọng. Người châm lửa phải là người cao tuổi trong gia đình và có uy tín với bản làng. Với vị trí chính giữa nhà, bốn phía bếp đều có thể sử dụng được. Do vậy, loại bếp này không chỉ là nơi nấu nướng mà còn là nơi người Tày đoàn tụ và sưởi ấm vào mùa đông. Vào mùa giá lạnh, người Tày có tục giữ lửa bằng việc đặt vào bếp một cây gỗ to, dài và đã khô để than hồng âm ỉ cả ngày lẫn đêm để giữ ấm cho không gian nhà sàn. Khi đi làm nương về, người ta chỉ cần thổi nhẹ là lửa có thể cháy bùng.
Bếp ngoài được người Tày thiết kế ở phía bếp nhỏ liền kề với cầu thang. Bếp này thường dùng vào mùa hè, được đắp bằng lò đất hoặc dùng kiềng bốn chân. Bếp ngoài thường để nấu những nồi to như cám lợn, nấu nước tắm và liền kề với chạn bát đũa.
Không gian bếp lửa là nơi linh thiêng của đồng bào Tày vùng cao (ảnh minh họa). |
Bếp trong cuộc sống của người Tày gắn với nhiều phong tục, tập quán. Người Tày thờ thần bếp ở ngay góc bếp hoặc cắm ống nhang vào bức vách thẳng khuôn bếp cùng viên đá đặt cạnh bếp. Cuối năm, vào tháng Chạp, nhà nhà làm lễ để cúng thần bếp để tạ ơn và cầu mong sự no ấm trong năm mới. Chọn ngày lành, tháng tốt, gia chủ tổ chức lễ vào nhà mới. Đến giờ hoàng đạo, chủ nhà rước tổ tiên lên vị trí thờ, thắp hương đôi cắm vào các ống nhang, bày mâm cúng gia tiên. Khi cúng tổ tiên xong, người lập khuôn bếp cắm ba nén hương vào hai ống nhang trên và góc trong phía dưới mỗi ống một que hương, còn ba nén nữa cắm vào ống góc dưới phía ngoài, vì khi làm lễ cúng thần bếp thì mời cả thổ công lên cùng hưởng. Mâm cỗ cúng thần bếp là mâm ăn nhưng làm hai tầng (hai mâm chồng lên nhau), mâm trên cúng thần lửa, mâm dưới cúng thần thổ công, trên trốc mâm để một tảng thịt lợn luộc cắt đôi. Khi cúng xong, mâm trên và tảng thịt lợn luộc đưa hai người lập khuôn bếp gói về nhà cho vợ con hưởng, mâm dưới bày ra cho người làm bếp và bốn người nữa cùng ăn ngày vào nhà mới.
Bếp còn là không gian ẩm thực độc đáo của người Tày. Ở đây, người dân vào dịp cuối năm và đầu năm mới thường có tục sấy cá, thịt trên gác bếp. Thịt trâu và thịt lợn được tẩm ướp gia vị rồi treo lên sấy khô trên bếp lửa. Cá mè được kẹp vào kẹp tre sấy trên khói. Gần tết, người Tày chế biến món lạp sườn rất cầu kỳ và treo trên bếp để dùng dần. Khi nhà có khách quý, người Tày dùng bếp vừa gần với nơi tiếp khách, vừa là nơi chế biến món ăn thết đãi khách. Nhiều món ăn bản địa như măng đắng luộc chấm mẻ chua, canh gà nấu củ kiệu, măng chua nấu cá suối được người Tày chế biến mời khách.
Khi trong nhà có người ốm nặng, người ta đặt giường nằm của người ốm gần bếp lửa vừa để sưởi ấm, vừa như để cho người nằm cạnh bếp lửa - vật sưởi ấm cả cuộc đời con người.
Trải qua từ đời này sang đời khác dù cuộc sống có nghèo khó hay sung túc, trong cuộc sống của người Tày vùng cao không thể thiếu bếp lửa, một biểu tượng thiêng liêng và ấm áp.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc