Bánh sừng trâu - món ăn độc đáo của người Cơ Tu
![]() |
Người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam gói bánh sừng trâu nhân dịp Tết. |
Bánh sừng trâu còn được gọi là bánh đót vì nó được gói bằng lá đót. Muốn làm bánh sừng trâu, người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam mang gùi ra rừng lựa cắt những chiếc lá đót to, dày, không rách và chuẩn bị thêm dây lạt buộc bánh. Người Cơ Tu thường dùng gạo nếp p’rong, loại nếp thơm do bà con trồng trên nương rẫy để làm loại bánh này. Một ký gạo nếp có thể gói được khoảng 20 - 25 cặp bánh. Người Cơ Tu không vo gạo nếp trước khi nấu mà để gạo khô rồi bỏ vào phễu lá đót đã được gấp sẵn để gói. Cách gói bánh sừng trâu gần giống như gói bánh ú của người Kinh. Chỉ cần khéo tay một chút, chiếc lá đót sẽ được xoay thành một vòng 360 độ, tạo thành hình nón, hình phễu. Người ta giữ chặt 2 mép lá, rồi lấy nắm gạo nếp bỏ đầy, nén vừa chặt vào hình nón của lá đót, sau đó đem gấp lại phía lá đót thừa ra để tạo thành chiếc bánh đơn. Bánh sừng trâu khi đã chín có màu sắc đẹp của nếp, tỏa ra mùi hương ngọt ngào của lá đót trông rất hấp dẫn. Bánh sừng trâu của người Cơ Tu không có nhân, vì thế bánh sừng trâu có thể để nhiều ngày mà vẫn giữ được độ dẻo, mùi thơm. Người Cơ Tu gói xong bánh rồi cột lại thành từng cặp, không nấu ngay mà đem ngâm vào nước để chừng nửa buổi mới nấu. Nguồn nước ngâm bánh phải được lấy từ buổi sáng tinh mơ, nơi đầu nguồn con suối. Thời gian nấu bánh chỉ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ là bánh chín, có màu sắc đẹp toả mùi thơm ngào ngạt rất hấp dẫn.
Đến các buôn làng của người Cơ Tu trong các ngày Tết, bạn sẽ được mời uống rượu tà vạt hoặc rượu cần và không thể thiếu món bánh sừng trâu. Thưởng thức hương vị dẻo ngon và thơm tho của chiếc bánh sừng trâu, bạn sẽ cảm nhận được tấm lòng giản dị, chất phác của đồng bào Cơ Tu giống như các món ăn không cầu kỳ, màu mè, ít gia vị nhưng vẫn tràn đầy vị ngon ngọt, hấp dẫn khó quên.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc