Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo nghi lễ cúng sức khỏe cho voi của người M'nông

11:41, 24/01/2016
Đã từ bao đời nay, hình ảnh những chú voi nhà gắn bó thân thiết với người dân Tây Nguyên nói chung và người M’nông nói riêng đã không còn xa lạ. Trong sinh hoạt thường ngày, voi luôn giúp đỡ những công việc nặng nhọc: thồ hàng, kéo gỗ, chở người vượt sông... Voi không chỉ là cơ nghiệp mà còn là một thành viên quan trọng của gia đình. Chính vì vậy, trong hệ thống các nghi lễ cộng đồng của người M’nông, có nhiều nghi lễ liên quan đến voi như: cúng đi săn voi, lễ cưới cho voi, lễ cắt ngà voi... và đặc biệt là lễ cúng sức khỏe cho voi.

Cúng sức khỏe cho voi (văt yo gal jăn) là nghi lễ cúng cho chủ nhà voi và con voi; khi tổ chức cúng cho voi thì các con voi khác trong buôn cũng đều được cúng. Thời gian tổ chức cúng không cố định, trong một năm nếu chủ nhà voi có điều kiện thì vẫn tổ chức đều đặn hoặc phụ thuộc vào các chủ voi khác trong buôn và tùy theo tình trạng sức khỏe cũng như công việc sử dụng voi.

Thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe cho voi tại Lễ hội Văn hóa truyền thống Buôn Đôn.                                                                                                         Ảnh: Hoàng Gia
Thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe cho voi tại Lễ hội Văn hóa truyền thống Buôn Đôn. Ảnh: Hoàng Gia

Theo truyền thống, lễ cúng sức khỏe cho voi được tổ chức trong 3 ngày: Ngày thứ nhất, cúng cổng buôn và mời ông bà đã khuất về dự. Ngay từ sáng sớm, mọi người đã tề tựu, mỗi người một việc cùng xúm vào làm để chuẩn bị cho lễ cúng. Lễ vật của ngày cúng này là 1 con heo, 2 ché rượu (1 ché cúng cổng buôn và 1 ché cúng ông bà). Khi việc chuẩn bị lễ vật cho nghi lễ đã xong, cồng chiêng vang lên những giai điệu rộn rã, thầy cúng rót rượu vào sừng trâu và ống tre, cùng đoàn người tiến về cổng buôn để làm nghi thức cúng. Tới cổng buôn, thầy cúng tưới rượu, đọc lời khấn và cứ thế đoàn người tiếp tục đi xung quanh buôn dừng lại bên những gốc cây lâu năm tưới rượu và cất lời khấn để cảm tạ các thần linh đã che chở, bảo vệ dân làng và mời các linh hồn đã khuất về dự lễ. Sau khi cúng cổng buôn, thầy cúng trở về nhà chủ voi để cúng tổ tiên, còn mọi người tiến hành mổ heo để chuẩn bị lễ vật. Khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ gồm một con heo đã luộc có đầu, mình, đuôi, một bầu nước, cơm nếp, rượu cần, cháo, thịt heo băm nhỏ trộn huyết... tất cả thành viên trong gia đình tập trung lại thầy cúng tiến hành làm lễ với lời cúng gọi thần:

Hỡi thần cai quản, thần phù hộ/Người cha sinh ra, người mẹ nuôi nấng/ Đàn ong cho nhiều mật, cây ra nhiều quả/ Tôi gọi thần cây sung, cây đa/ Thần quản muôn thú, thần sinh ra con người/ Sinh con trai, con gái/ Sinh con trai biết xử phạt, sinh con gái biết đẻ con/ Mai này làm cho dân làng vui vầy/ Biết bắt chước người cha chú đi trước/ Làm theo ông bà ngày xưa...

Sau khi đọc lời khấn, thầy cúng dùng chén đồng đựng rượu và lấy cái tẩu thuốc để làm nghi thức cúng với quan niệm mời linh hồn đã khuất vào nhà hút thuốc, uống rượu. Sau đó thầy cúng lần lượt mời ông bà, chú bác, chủ nhà và khách đến dự cùng nhau uống rượu cần, vui chơi, đánh cồng chiêng cho đến hết ngày.

Ngày thứ hai, cúng sức khỏe cho chủ voi. Nghi thức được tổ chức ở nhà chủ voi, với ý nghĩa cúng cho các thần linh phù hộ cuộc sống con người và bảo vệ mùa màng, cai quản của cải, vật nuôi. Lễ vật của phần cúng này gồm 1 con heo, cơm nếp, 4 ché rượu. Thành phần tham dự có các chủ voi trong buôn và mọi người trong gia đình để chứng kiến nghi lễ, với quan niệm cầu mong cho chủ voi có sức khỏe để nuôi dưỡng đàn voi mạnh khỏe, trung thành với con người. Sau khi ché rượu đổ nước đầy, dàn chiêng tấu một bài để khai lễ, trước sự chứng kiến của đông đủ dân làng thầy cúng bắt đầu thực hiện các nghi thức cúng:

Hỡi thần cai quản linh hồn đã khuất/ Cai quản linh hồn ông bà, chú bác/ Cơm mang cho ăn, nước đem cho uống/ Ở trong hang giữ con cháu yên lành/ Đây ché rượu, con heo thiến dâng lên cho các thần/ Cho linh hồn ông bà chú bác đã khuất...

Nghi thức tổ chức xong, thầy cúng mời chủ nhà uống trước, tiếp đó là vợ và con cái trong nhà, sau đó mời mọi người đến dự uống để cùng chia vui, chúc mừng chủ voi và gia đình.

Sang ngày thứ ba, lễ cúng sức khỏe cho voi: Trong ngày lễ này tất cả các voi khác trong buôn đều đến trước hiên nhà của chủ voi - nơi tổ chức nghi lễ để được cúng chung. Sau khi lễ vật, ché rượu cúng được bày trên hiên nhà, thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe cho những con voi với ý nghĩa đuổi những điềm gở, điềm xấu đến với mỗi người trong gia đình và vật nuôi. Thầy cúng đọc lời khấn:

Cầu mong các thần làm cho voi khỏe kéo cây gỗ, ăn lá rừng/ Kéo cây làm xà dọc, xà ngang, làm cột nhà to chắc/ Nếu con trai người ta nhắc trong chòi/ Nếu con gái người ta nhắc trong nhà/ Nhắc đến mỏi miệng, mỏi cằm/ Cho thần quản buôn nghe/ Nhắc cho ông bà xưa nghe/ Cùng hút chung một ống điếu,/ Uống chung một cần/ Để có sức kéo cây về làm xà, cây cột nhà/ Để nhà cao bằng núi, cho nhà dài bằng sông...

Sau đó thầy cúng dùng huyết vật tế bôi lên đầu từng con voi (voi của chủ nhà được cúng trước, sau đó mới đến các con voi khác). Trong lễ cúng này các nài voi cũng được cúng sức khỏe. Đến con voi nào được cúng thì nài voi cũng được ban rượu, thịt và thực hiện nghi lễ cúng với ý nghĩa  cam kết thương yêu voi như người bạn, chăm sóc cho voi luôn khỏe mạnh, để các thần linh ngăn cản và chỉ bảo đàn voi không phá hoại mùa màng, hoa màu của con người. Nghi thức cúng voi hoàn tất, chủ nhà làm lễ cúng mời tất cả các chủ voi, nài voi khác và khách tham dự buổi ăn mừng, mọi người chúc nhau những điều tốt lành cho đến tan tiệc...

Ngày nay, lễ cúng sức khỏe cho voi thường được người dân thực hiện rút gọn trong một ngày, dù vẫn đầy đủ các phần lễ: cúng cổng buôn và mời ông bà đã khuất về dự;  cúng sức khỏe cho chủ voi; cúng sức khỏe cho voi. Với ý nghĩa nhân văn, lễ cúng sức khỏe cho voi thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết và lòng yêu thương quý trọng của con người đối với vật nuôi. Đây cũng là dịp để con người tạ ơn thần linh, cảm ơn những chú voi đã giúp đỡ cho chủ voi và buôn làng, đồng thời mong voi luôn có sức khỏe để phục vụ và gắn bó với con người mãi mãi.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc