Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ lấy rơm của người M'nông

18:13, 10/06/2017

Người M’nông là cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề canh tác nương rẫy, trồng lúa nên lễ hội nông nghiệp của người M’nông cũng bám theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy như: những nghi lễ cúng bái, xin phép thần linh trong phát rẫy, tra hạt, gieo trồng, cầu mong cây lúa lên tốt tươi, trổ đòng chắc hạt, trĩu bông cho vụ mùa bội thu.

Họ tin rằng nhờ cúng bái nên thần lúa, mẹ lúa phù hộ, chẳng những cho lúa gạo, hoa màu để ăn mà còn mang đến sự bình an, khỏe mạnh cho gia đình. Trong các nghi lễ liên quan đến mùa màng của người M’nông, lễ lấy rơm là một nghi lễ độc đáo bên cạnh lễ mừng lúa mới.

Khi lúa đã tuốt hết, vụ mùa đã thu hoạch xong, bà con M’nông làm một lễ cúng để lấy rơm về nhà (nsit phe). Ý nghĩa của lễ này là để gọi hồn lúa từ rẫy về kho lúa. Lễ cúng gọi hồn lúa diễn ra ở nhiều nhà trong không khí vui tươi, phấn khởi.

Lễ lấy rơm được tiến hành trong 2 ngày. Ngày đầu tiên là rước hồn lúa về kho. Trước khi đi gọi hồn lúa, chủ nhà chuẩn bị lễ vật gồm: 2 ché rượu (một ché đặt giữa nhà, một ché đặt ở cầu thang lên kho lúa); cột con gà trống ở bậc thang, cắt tiết hòa với rượu cho vào chai, lấy thêm một bầu phe rmit (bột nghệ, bột gạo trộn lẫn huyết gà), một bầu cám… tất cả đựng vào cái gùi nhỏ mang lên rẫy cúng.

Tiết ở miệng gà được bôi lên các bao lúa.
Tiết ở miệng gà được bôi lên các bao lúa.

Sớm tinh mơ chủ nhà đi lên rẫy, lúc đến đoạn đường rừng thì dừng lại đọc lời khấn thần: “Xin thần rừng, thần núi cho phép tôi đi rước hồn lúa về”. Gần đến rẫy, ông ta chặt một ống le làm kèn thổi để gọi hồn lúa và nhổ một cây hoa (cau gur) màu đỏ tươi cho vào gùi. Khi đến rẫy, các lễ vật được mang ra và bắt đầu cúng. Chủ nhà lấy một nắm rơm, một vài bông lúa (lúc tuốt lúa được giữ lại) cho vào gùi, dùng rượu hòa với huyết gà, bột phe rmit vẩy xung quanh chỗ hồn lúa ở và đọc lời cúng: “Ơi thần! Những bông lúa còn sót lại trong bụi, trong thân cây phải về hết nhà mình. Lúa nhiều ăn cho đủ năm. Gà trong bầy tự đẻ trứng lấy. Đừng gặp chiêm bao xấu, đừng sống nghèo khổ nữa”. Sau khi đọc lời cúng, ông ta nhổ cây n’juh ndrăk (được cắm trong các lễ cúng giữa vụ) bỏ tại rẫy và lấy ống tre (kêp) đựng thức ăn cho hồn lúa mang về. Xong các nghi lễ, chủ nhà gọi mời hồn lúa: “Ơ hồn lúa, hãy theo người về nhà ăn mừng lúa mới, đừng có đi theo con heo rừng, con chuột, con kiến…”. Vừa đi ông ta vừa thổi kèn, rải cám gạo để hồn lúa biết đường theo về, nếu có lội suối thì chặt cây le làm cầu để hồn lúa đi. Về đến nhà, chủ nhà đặt gùi chỗ cầu thang lên kho lúa, thả đầu con gà vào trong nắm rơm và đọc: “Ơ hồn lúa, hãy về chỗ đây” (kho lúa).

Ngày thứ hai cúng tại kho lúa gồm các lễ vật: 1 bầu gạo mới, một trái bí đỏ, huyết heo hòa với rượu, 1 đầu heo, 1 con gà luộc, 1 bát xôi… Người M’nông quan niệm cần có quả bí để hồn lúa gối đầu ngủ, 1 bầu gạo để hồn lúa ở, các thứ còn lại để “kết nghĩa” giữ hồn lúa với chủ nhà. Trong khi cúng, người ta đốt một đèn sáp ong để tiên đoán những điều hên, xui năm tới. Nếu tim đèn cháy thẳng đứng thì năm mới sẽ gặp may mắn, lúa thu hoạch nhiều, gia đình được bình an. Cúng xong, mọi người được vui chơi, ăn uống, chúc năm mới có nhiều lúa, trâu bò, chiêng ché.

Lễ lấy rơm là một nét văn hóa độc đáo cần được gìn giữ, bảo tồn trong đời sống văn hóa của người M’nông ở Tây Nguyên.

Thanh Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.