Multimedia Đọc Báo in

Tục chôn tài sản theo người chết của người M'nông

12:13, 25/06/2017

Sau khi người thân trong gia đình qua đời, người M’nông tại xã Yang Tao (huyện Lắk) thường mang tài sản của người chết bỏ theo quan tài để mai táng. Với niềm tin vào sự tồn tại của linh hồn, họ quan niệm rằng, việc chôn tài sản sẽ giúp cho người quá cố có “lộ phí” để đi sang thế giới bên kia.

Theo ông Y Nuốt Kyang (buôn Cuôr Tắk, xã Yang Tao), tục chôn tài sản cho người chết có từ thời cha ông và nay vẫn được tất cả gia đình M’nông trên địa bàn thực hiện. Ngoài những tư trang hằng ngày, tất cả tài sản như tiền, vàng, vật nuôi gắn liền với người quá cố sẽ được chôn theo quan tài. Thậm chí, những cái xoong, nồi, chén bát, dao rựa, ti vi… của người chết cũng được chôn theo. Nhiều gia đình còn tháo gỡ từng bộ phận của chiếc xe đạp, xe máy để chôn bên cạnh phần mộ của người thân.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình mà việc chôn tài sản cho người chết được thực hiện khác nhau. Với những gia đình có điều kiện thì ngoài của cải hiện có, họ còn mua vàng và bỏ thêm tiền mặt xuống mộ với hy vọng sau khi qua đời, người chết sẽ được ăn no mặc ấm. Đồng thời, thi thể của người quá cố sẽ được để trong nhà từ 3 - 7 ngày nhằm thể hiện sự thương nhớ, tiếc nuối. Còn với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, việc ma chay diễn ra trong vòng 3 ngày, tài sản chôn theo chỉ đơn giản là những tư trang như quần áo, giày dép, chăn mền, chum ché… 

Vì thương con cháu nên không ít người trước khi mất đã để lại di chúc, căn dặn người thân thực hiện việc chia tài sản của mình cho những người ở lại. Giải thích về vấn đề này, ông Y Khim Bkrông, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Yang Mao cho hay: “Nhiều người viết di chúc yêu cầu con cháu phải mổ hoặc bán con heo, bò… của họ để chia một phần cho anh em họ hàng, phần còn lại luộc chín rồi bỏ vào hai cái ché đặt trong mộ. Nếu khi còn sống tích góp được ít vàng bạc thì người M’nông sẽ dặn mọi người bán của cải ấy lấy tiền hỗ trợ cho những thành viên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, nhiều người còn không quên chia căn nhà của mình cho con cháu để làm vốn mưu sinh. Thế nhưng, với những người chết “bất đắc kỳ tử” thì toàn bộ tài sản của họ bắt buộc phải mang táng theo”.

Còn ông Y Nhất K’brông, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho rằng, tục chôn tài sản cho người chết xuất phát từ quan niệm “chết mang theo” của người M’nông. Ngoài việc tin tưởng vào sự tồn tại của linh hồn thì người M’nông còn có niềm tin tuyệt đối vào thần linh. Với tín ngưỡng đa thần, họ cho rằng linh hồn người chết sẽ che chở và phù hộ cho người thân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Do vậy, nếu không thực hiện việc an táng tài sản theo thì sẽ bị linh hồn của người chết về đòi, quấy nhiễu làm cho người thân trong gia đình ốm đau, tình cảm lục đục, làm ăn thua lỗ…

 Xuất phát từ những quan niệm trên nên các gia đình M’nông vẫn truyền tai con cháu phải thực hiện việc chôn cất tài sản theo người chết một cách cẩn thận mới hy vọng gặp được may mắn.

Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.