Multimedia Đọc Báo in

Kể chuyện "Văn hóa của mình"

16:45, 15/07/2017

Sau khi kết thúc dự án “Văn hóa của mình” vào cuối năm 2014, những người trong cuộc càng ý thức rõ ràng hơn việc bảo tồn vốn văn hóa của mình, cũng như cách thức lựa chọn sinh kế phù hợp với cộng đồng…

Thông điệp từ những bức ảnh

 Dự án đã trang bị máy ảnh cho các thành viên trong cộng đồng người Êđê ở buôn Tring (thị xã Buôn Hồ) và buôn Ea Sa (huyện Ea Kar) ghi lại những gì họ quan tâm trong cuộc sống hàng ngày, qua đó biểu lộ thái độ, trách nhiệm của mình trước sự mất – còn vốn văn hóa truyền thống, cũng như cơ hội lẫn thách thức trước “cơn lốc” hội nhập hiện nay dưới góc nhìn văn hóa gắn với sinh kế.

Buôn Tring phục dựng Lễ cúng cơm mới phục vụ khách du lịch.
Buôn Tring phục dựng Lễ cúng cơm mới phục vụ khách du lịch.

Có thể nói, mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện kể về những vấn đề quan trọng và thiết thân trên. Trong ngôi nhà dài của Amí H’Lil Niê – Trưởng nhóm thành viên tham gia dự án tại buôn Tring vẫn còn lưu giữ những bức ảnh do chính người trong cuộc thực hiện cách đây ba năm. Bức ảnh “Lễ tạ ơn” của bà H’Lil Niê được diễn giải rằng: Đây là một phần nghi lễ truyền thống được thực hành tại một gia đình làm cà phê trong buôn. Nhờ làm cà phê mà gia chủ dựng được ngôi nhà dài và mua bộ chiêng về làm của. Đem chiêng về nhà thì phải giết heo, gà thổi hồn cho chiêng và coi đó như thành tố quan trọng trong gia đình. Bức ảnh đơn giản, bình dị nhưng đã thể hiện được chiều sâu văn hóa của tộc người bản địa ở đây - ấy là người ta không coi trọng tiền bạc bằng chiêng ché. Những vật dụng sinh hoạt tưởng chừng như bình thường này, đối với người Êđê là cả một gia tài. Gia đình nào có nhiều chiêng ché thì gia đình đó thể hiện được sự giàu có, quyền thế trong cộng đồng. Vì thế, có thể xem chiêng ché là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần và vật chất của họ. Trước thực trạng “chảy máu” cồng chiêng và mai một dần các nghi thức thực hành văn hóa truyền thống của các tộc người bản địa thì động thái như ông Ama Soal – gia chủ của ngôi nhà dài và bộ chiêng quý kia là việc làm đáng khích lệ trong quá trình bảo tồn di sản của tổ tiên, ông bà để lại – Amí H’Lil Niê nhấn mạnh.

 

“Văn hóa của mình” là dự án do Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Môi trường phối hợp với Bảo tàng Dân tộc tỉnh Đắk Lắk thực hiện trong hai năm (2013- 2014) nhằm khảo sát, đánh giá và chia sẻ trực tiếp với các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ trong vấn đề bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, cũng như việc phát triển sinh kế của người dân trước đời sống đương đại..

 

Ở góc nhìn khác, anh Y Trí Mlô (Buôn Ea Sar) đề cập đến nỗi nhọc nhằn, vất vả của bà con trồng mía trước tình trạng bấp bênh về giá cả và thị trường tiêu thụ. Nhiều bức ảnh được Y Trí chú thích “Trồng mía và nợ nần” đã cho thấy điều nhức nhối ấy trước sự thay đổi sinh kế theo kiểu phong trào của người dân. Anh nông dân này kể lại câu chuyện bằng hình ảnh trồng mía của bản thân và cộng đồng mình hết sức chân thật: Trước đây có nghèo, nhưng không ai phải nợ nần, bây giờ trồng mía thì ai cũng trở thành con nợ của ngân hàng. Những bức ảnh của Y Trí chụp được cho thấy ruộng mía đã trổ cờ khô khốc mà không có ai đến mua. Đó cũng là câu hỏi cần có câu trả lời, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng. Trong khi đó, những bức ảnh của chị H’Nâm Dhet mở ra hướng đi mới cho người Êđê ở đây là trồng các loại rau quả tự nhiên để bán. Những hoạt động sản xuất hàng ngày như chăm bón khoảnh rừng, hái lá yao, lá éh… để ra chợ, hoặc chế biến thành muối chấm đặc sản bỏ mối cho các hàng quán trong vùng đã cho thấy tiềm năng, sự phù hợp trong việc lựa chọn sinh kế của bà con trước đời sống hiện tại.

Đến tác động tích cực

Sau khi dự án khép lại, đến nay đã có sự tác động trở lại một cách tích cực trong công tác bảo tồn vốn văn hóa truyền thống cũng như phương thức xây dựng, hoạch định sinh kế cho cộng đồng người bản địa. Ông Y Chinh Mlô – Chánh văn phòng UBND thị xã Buôn Hồ thừa nhận: Cách làm trên đã góp phần giúp chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan có cái nhìn đúng bản chất về đời sống văn hóa, tinh thần cũng như sinh kế của cộng đồng các dân tộc; tránh sự áp đặt và khiên cưỡng khi thực hiện một chủ trương, chính sách nào đó của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân tộc thiểu số bảo tồn văn hóa cũng như xóa đói, giảm nghèo.

Nhà Văn hóa cộng đồng buôn Tring là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của cộng đồng.
Nhà Văn hóa cộng đồng buôn Tring là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của cộng đồng.

Đầu tháng 7-2017, UBND thị xã Buôn Hồ ban hành kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương, trong đó chú trong đến việc xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái trên địa bàn. Amí H’Lil cho biết, buôn Tring được chọn làm điểm đến, nên bà con càng cố gắng gìn giữ vốn văn hóa của mình.

Được biết, sau khi tham gia dự án “Văn hóa của mình”, hầu hết các thành viên trong cộng đồng nhận ra nên bảo tồn cái gì và mức độ quan trọng, cấp thiết của việc làm đó ra sao, nhằm đề đạt nguyện vọng của mình tới chính quyền địa phương có quyết sách phù hợp giúp bà con cùng đồng hành trong quá trình bảo tồn văn hóa, lựa chọn sinh kế phù hợp. Anh Y Mdoan Êban, cán bộ văn hóa phường An Lạc – thị xã Buôn Hồ cho rằng: Từ những câu chuyện kể bằng hình ảnh của người dân buôn Tring, ngành Văn hóa ở đây biết phải bắt đầu từ đâu để xây dựng và phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho cộng đồng người Êđê tại chỗ một cách hiệu quả và bền vững.

Ngoài hai bến nước buôn Tring 1 và 2 được Nhà nước hỗ trợ sửa sang lại sạch đẹp, Nhà văn hóa cộng đồng khang trang với thiết chế sinh hoạt năng động và phù hợp, các thành viên trong buôn đã tự nguyện sưu tầm, phục dựng thành công một số nghi lễ (cúng cơm mới, cầu mưa, lên nhà dài, mở lời cho chiêng…) để lấy đó làm “vốn liếng” cho kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng đang được khuyến khích mở ra tại các buôn làng.

Có thể nói, hiệu quả của dự án trên mang lại hết sức thiết thực, bởi nó giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề. Nói như bà H’Lil Niê – Buôn phó buôn Tring rằng, gốc rễ ở đây chính là văn hóa, yếu tố quan trọng và căn cơ nhất giúp các cộng đồng dân tộc phát triển.        

             Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.