Multimedia Đọc Báo in

Đưa Văn hóa cồng chiêng phục vụ phát triển du lịch: Hiệu quả đến đâu?

10:55, 21/10/2017

Sau gần 3 tháng triển khai Chương trình biểu diễn Văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách và người dân trên địa bàn Đắk Lắk đã ít nhiều để lại ấn tượng, cảm xúc lẫn băn khoăn với những người tham dự.

Thêm sản phẩm du lịch

Theo chương trình, bắt đầu từ tháng 7-2017, vào tối thứ Bảy của tuần lễ thứ hai và thứ tư trong tháng, hoạt động diễn tấu cồng chiêng được tổ chức thường xuyên tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du – TP. Buôn Ma Thuột). Theo Ban Quản lý du lịch, Sở VH-TT-DL thì đây là sản phẩm mới của ngành du lịch Đắk Lắk, nhằm mục tiêu thu hút ngày càng nhiều du khách, nhất là khách quốc tế đến với cao nguyên này. Hơn nữa, thông qua hoạt động trên giúp các đơn vị lưu trú, kinh doanh lữ hành trên địa bàn giải quyết được “khoảng trống” về đêm cho du khách một khi họ có nhu cầu.

Biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách tại Biệt điện Bảo Đại (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: N. Gia
Biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách tại Biệt điện Bảo Đại (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: N. Gia

Thực tế cho thấy sản phẩm trên đã có sức hút đáng kể trong thời gian qua. Với 6 đêm biểu diễn Văn hóa cồng chiêng đã thu hút gần 2.000 lượt người đến thưởng thức. Ông Đinh Một, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết: Bình quân mỗi đêm biểu diễn có hơn 300 khách tham dự, trong đó lượng khách quốc tế chiếm gần 1/3 (khoảng 80 – 100 người). Điều đó chứng tỏ sản phẩm du lịch Văn hóa cồng chiêng ở đây bước đầu đã tạo ra yếu tố kích cầu đáng ghi nhận. Trong 9 tháng của năm 2017 có hơn 525.000 lượt khách đến Đắk Lắk – điều đáng nói là trong đó lượng khách quốc tế tăng lên đáng kể với con số khoảng 50.000 người, cao nhất từ trước đến nay so với cùng kỳ mọi năm. Có thể nói, có được kết quả đó không thể không kể đến sự đóng góp của sản phẩm du lịch trên.

Không ngừng làm mới sản phẩm

Đó là yêu cầu đặt ra cho những người thực hiện Chương trình biểu diễn Văn hóa cồng chiêng diễn ra định kỳ tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại. Bởi nói như ông Y Kô Niê, Phó Phòng Quản lý Văn hóa – Sở VH-TT-DL, nếu cứ lặp đi, lặp lại nội dung cũng như hình thức trình diễn như 6 lần vừa qua sẽ khiến mọi người nhàm chán. Để tránh điều đó cần phải mời nhiều nghệ nhân, đơn vị tham gia biểu diễn hơn nữa. Bởi sự đa dạng về mặt con người, nghệ thuật trình diễn sẽ đem lại cảm xúc mới mẻ và phong phú cho du khách khi thưởng thức Văn hóa cồng chiêng.

Nghi thức mời rượu cần trong mỗi đêm diễn tạo ra sự tương tác giữa chủ và khách.
Nghi thức mời rượu cần trong mỗi đêm diễn tạo ra sự tương tác giữa chủ và khách.

Không riêng gì ông Y Kô Niê, nhiều nhà quản lý, nghiên cứu vốn văn hóa độc đáo và tiêu biểu này cho rằng: Muốn níu chân và hấp dẫn du khách tìm đến với sản phẩm du lịch này thì nhất thiết phải tìm cách xóa dần khoảng cách giữa khách và chủ. Có nghĩa là tạo nên không gian gần gũi, thân thiện và có tính tương tác sâu rộng để người trong cuộc và ngoài cuộc có điều kiện tìm hiểu, thực chứng và trải nghiệm tại chỗ. Về điểm này, một số du khách đã có dịp thưởng lãm chương trình bày tỏ: Trong không gian biểu diễn ấy, hiệu quả âm nhạc cồng chiêng không làm người ta quan tâm lắm, nó chỉ đóng vai trò kết nối mọi người lại với nhau mà thôi. Điều quan trọng là nghệ thuật diễn xướng của các nghệ nhân có mặt, họ thật sự khiến người ta say mê, thích thú với những động tác, kỹ thuật trình diễn vốn âm nhạc đặc sắc kia. Người xem rất muốn tiếp cận và thao tác trực tiếp với họ để hiểu biết thêm về cồng chiêng Tây Nguyên.

Đáng tiếc là mong muốn đó chưa được đáp ứng đầy đủ tại nơi diễn ra hoạt động biễu diễn Văn hóa cồng chiêng hiện nay. Theo những người tổ chức, thực hiện chương trình thì vấn đề nằm ở chỗ là số nghệ nhân thực thụ có kiến thức, tâm huyết trong các buôn làng người dân tộc thiểu số chưa được góp mặt để phục vụ nhu cầu của du khách. Vì thế, việc tìm cách đưa những người nắm giữ tinh hoa vốn văn hóa ấy đến tụ điểm trình diễn nghệ thuật trên là vấn đề không thể bỏ qua. Nghệ sĩ Y Phôn Ksor, Phó Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk, đồng thời là người chịu trách nhiệm xây dựng, thiết kế nội dung Chương trình hiện nay chia sẻ: Tạm thời và trước mắt giao cho Đoàn ca múa dân tộc tỉnh gánh vác trách nhiệm này thì được, còn về lâu dài nhất định phải tính đến việc mời gọi, thu hút nghệ nhân cồng chiêng tham gia như ý kiến đóng góp của nhiều người, để sản phẩm du lịch này luôn hấp dẫn du khách gần xa.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.