Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ văn hóa phải theo con tim, nhu cầu của chủ thể văn hóa

05:51, 01/10/2017
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại là chủ đề cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk và Phó Giáo sư, Tiến sĩ LƯƠNG HỒNG QUANG – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhân chuyến công tác của ông mới đây tại Đắk Lắk.
 

- Thưa ông, văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

+ Không chỉ Tây Nguyên mà ở các vùng khác có đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí là người Kinh tại đồng bằng - cũng có vấn đề này. Văn hóa truyền thống tồn tại trong bối cảnh lịch sử, tự nhiên cũng như văn hóa khác nhau, khi bối cảnh đó thay đổi tạo nên áp lực làm cho văn hóa truyền thống bị sao nhãng, bị bỏ quên, thậm chí là mất đi. Đó là tiến trình mang tính quy luật. Đối với Tây Nguyên, chúng tôi thấy có những thách thức: Thứ nhất là chủ thể văn hóa với bối cảnh của họ đã thay đổi rất nhiều. Thứ hai là bản thân các chủ thể văn hóa cũng có những tâm thức rất khác nhau. Và thứ ba là trong bình diện văn hóa có rất nhiều các nhóm xã hội lựa chọn hình thức sinh hoạt văn hóa khác nhau, mà các sinh hoạt văn hóa truyền thống chủ yếu chỉ tồn tại ở lớp trung niên trở lên, đặc biệt là người già, còn lớp thanh niên họ không hứng thú với điều đó nữa... Thời gian qua, chúng ta đã có những chương trình bảo tồn mang tính bảo lưu, lưu trữ trong băng đĩa, sách vở và trong các ngân hàng dữ liệu – đó là bảo tồn tĩnh. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ cho các nghệ nhân, mở các lớp truyền dạy sử thi, cồng chiêng...  – đó là bảo tồn động. Nếu khẳng định các hình thức bảo tồn đều tốt hết thì không hẳn, nhưng ít nhất ở phương diện nào đó chúng ta có những hoạt động thực tiễn, phù hợp để gìn giữ, bảo tồn. Ví dụ như việc đưa nghệ nhân Êđê ra Hà Nội tham gia biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc, có nhà nghiên cứu cho rằng không nên, vì như vậy là trình diễn, chứ không phải là hoạt động sống động như nguyên bản. Nhưng theo tôi họ được trình diễn còn hơn là không có môi trường nào để diễn.

- Vậy theo ông, có sự mâu thuẫn nào giữa bảo tồn theo hướng trình diễn và bảo tồn theo hướng giữ gìn truyền thống vốn có như nguyên bản không?

+ Thời gian qua, chúng ta có những hoạt động hướng tới theo khuôn mẫu truyền thống như phục dựng lại các nghi lễ truyền thống, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với cuộc sống hằng ngày và chính các hoạt động hằng ngày đó làm cho di sản sống động trong đời sống - đấy là cách tốt nhất. Bên cạnh đó chúng ta còn có những hoạt động như ngày hội văn hóa dân tộc, các festival, liên hoan... thông qua đấy đưa nghệ nhân lên trình diễn.

- Tức là không có sự mâu thuẫn nào, thưa ông?

+ Không, cũng có mâu thuẫn chứ. Chẳng hạn nói về tách khỏi môi trường của cộng đồng, đứng ở một phương diện nào đó bảo rằng không còn nguyên gốc, nhưng nguyên gốc để làm gì khi mà môi trường diễn xướng ngày càng thu hẹp? Do vậy phải tìm những hình thức môi trường diễn xướng khác cho phù hợp. Dĩ nhiên sẽ có sự biến đổi cho phù hợp với thời đại và theo một quy luật: tất cả các nghi lễ truyền thống trong xã hội hiện đại, từ một hoạt động mang tính thiêng trở thành một hoạt động mang tính diễn xướng. Và các chính sách, các chương trình văn hóa nghệ thuật hỗ trợ làm sao để giảm tính trình diễn còn ít nhất và trong những môi trường nhất định vẫn đảm bảo tính thiêng của nó. Còn trong trường hợp chúng ta không chối bỏ những hoạt động mang tính trình diễn – điều này quốc tế làm rồi, chứ không phải là không. Tất nhiên mỗi hình thức có điểm mạnh, điểm yếu của nó và không có một hình thức bảo tồn, phát huy nào tốt 100%.

Diễn tấu cồng chiêng trong các sinh hoạt văn hóa của người Êđê.
Diễn tấu cồng chiêng trong các sinh hoạt văn hóa của người Êđê.

-  Như ông đã nói, vị thế chủ thể di sản -  cộng đồng người dân, rất quan trọng trong việc gìn giữ các di sản; trong khi đó có một bộ phận, đặc biệt là lớp trẻ có xu hướng đi theo những giá trị văn hóa mới. Vậy làm thế nào để phát huy hiệu quả vai trò của chủ thể di sản trong gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa?

+ Chủ thể di sản có vai trò rất quan trọng, mình không làm thay được và họ phải là người nhận thức được cái hay, cái đẹp của văn hóa của ông bà mình. Họ phải thực hành nhuần nhuyễn và quan trọng nhất là chuyển tải những di sản của lớp người đi trước một cách sống động cho lớp sau. Để phát huy vai trò của cộng đồng thì phải nhen nhúm ngọn lửa trong họ, dạy họ cách “câu cá” chứ không phải cho “con cá”. Nếu chỉ “khoán trắng” cho cộng đồng thì họ không thể làm nổi, do vậy phải có các nhà nghiên cứu với vai trò là người dẫn dắt, đưa ra các “mẫu”, cơ quan nhà nước hỗ trợ kinh phí... Những hỗ trợ từ các ngoại lực chỉ là sự khơi dậy, còn chủ thể văn hóa vẫn phải tiếp tục đưa hoạt động này vào trong đời sống. Gìn giữ văn hóa không phải làm theo sự thúc ép của bên ngoài mà xuất phát từ con tim, từ nhu cầu của họ lúc đó văn hóa mới “sống” được.

- Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc