Vãn cảnh chùa Diên Thọ
Chùa Diên Thọ là ngôi chùa làng cổ và đẹp nhất của tỉnh Quảng Trị, tọa lạc ở làng Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng.
Chùa được xây dựng trên nền móng của một ngôi đền Chăm vào khoảng thế kỷ 14 – 15. Vào thế kỷ 18 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 – 1765), chùa Diên Thọ được trùng tu, sửa chữa tạo nên bố cục ngôi chùa hoàn chỉnh với cổng tam quan, đài Quan Âm, tiền đường, chánh điện và nhà tăng.
Tiền đường và chính điện của chùa Diên Thọ là hai công trình riêng lẻ nhưng được kết cấu kiểu hai ngôi nhà ghép theo hình chữ nhị, tạo nên một công trình chung thật tiện lợi, làm cho không gian nội thất của chùa được vuông vắn hơn.
Tiền đường là một ngôi nhà 5 gian 2 chái, đây là kiểu nhà gỗ còn giữ lại phong cách xưa. Toàn bộ nhà có sáu vài, năm gian. Sáu vài này được cấu trúc hoàn toàn giống nhau. Mỗi vài có hai loại cột: cột cái và cột con, mỗi đầu cột đỡ một đuôi kèo. Nếu như kèo thượng được trang trí hoa văn ở phần bụng, thì kèo hạ được trang trí hoa văn rất tỉ mỉ, công phu ở cả ba mặt, trừ mặt trên để đỡ các đòn tay, phần đầu kèo dư được chạm hình đầu rồng. Ngoài ra còn hệ thống xà ngang, xà dọc, xà thượng, xà hạ, đòn tay, con xỏ... được liên kết với nhau bằng hình thức đóng mộng rất khít.
Để thêm phần vững chắc, chùa Diên Thọ được đặt thêm một xà cò phía trên, song song với xà nóc, nối hai vì với nhau ở đoạn giao của trụ tiêu. Xà này được chạm nổi hoa cúc hay chạy chỉ uốn mềm mại. Ở hai đầu xà ăn mộng vào trụ tiêu, có chèn những con chêm hình đầu dơi rất đẹp. Gian giữa của tiền đường rộng nhất 2,92 m; hai gian ngoài cùng hẹp hơn 2,2 m; đến hai chái, mỗi chái chỉ rộng bằng phân nửa gian giữa. Tất cả các cột, kèo, xà khung, đố bảng đều để nguyên màu gỗ, không sơn. Bước vào các gian của tiền đường sẽ thấy yếu tố cũ và mới trong phần thờ tự càng tăng thêm sự tĩnh mịch và yên bình cho ngôi chùa.
Chùa Diên Thọ. |
Kết cấu bên trong của chánh điện cũng theo kiểu vài chồng, cột nóc, cũng đầy đủ các bộ phận xà ngang, xà dọc, xà thượng, xà hạ, đòn tay, con xỏ... như ở tiền đường. Bốn vài của ba gian thờ chính được nối với nhau bởi một tầng xuyên, chạy song song giữa hai hàng cột cái. Bên trên các xuyên này có đóng trần. Dưới các xuyên có ba bao lam cho cả ba gian, được chạm khắc với đề tài: trúc hóa long; đầu rồng ngậm chữ Thọ. Chánh điện ít cửa ra vào, toàn bộ có 18 cánh cửa, được chia đều cho ba gian, mỗi gian sáu cánh. Khi mở thì mỗi bên có ba cánh và xếp với nhau. Mỗi cánh cửa đều có ba phần, phần thứ nhất gọi là ô. Phần thứ hai là buồng khoa với các song thẳng và có bốn song cho mỗi buồng. Phần thứ ba gọi là bản. Trong ba phần này, thì phần thứ nhất và thứ ba là hai phần chính cho các mảng đề tài trang trí. Phần thứ ba có kích thước khá lớn nên thợ mộc mặc sức chạm trổ thế giới cảnh vật với những hình tượng: ngư long hí thủy; chim ưng săn mồi; mãnh long quá giang; mai, lan, trúc, cúc... đượm chất dân gian.
Ở gian giữa chánh điện trên bệ cao đặt khám thờ bộ tượng Tam Thế, gồm có ba pho tượng ngồi thiền định trên tòa sen, tóc nổi bụt ốc, mắt hiền từ nhìn xuống. Ở bệ thấp hơn thờ tượng Phật Thích Ca ngồi thiền. Ở gian bên tả, thờ tượng Quan Thế Âm và phía sau đặt khám thờ vọng các ngài thủy tổ của 12 dòng họ. Gian bên hữu thờ tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát và phía sau đặt khám thờ vọng các ngài thủy tổ.
Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật nói trên, chùa Diên Thọ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị. Tiêu biểu là 5 sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn, đều sắc cho xã Diên Sanh để phụng thờ Quan Thánh Đế Quân, gồm những sắc phong: Sắc Quan Thánh Đế Quân Hộ Quốc Tý Dân, cấp ngày 16 tháng 4 năm Tự Đức thứ 7 (1854); Sắc Quan Thánh Đế Quân Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Thành Hoàng chi thần, phong tặng theo chiếu lễ Đàm Ân, cấp ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880); Sắc Dực Bảo Trung Hưng Đế Quân, cấp ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887); Sắc Dực Bảo Trung Hưng Quan Thánh Đế Quân Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng chi thần, phong tặng theo chiếu lễ Đàm Ân, cấp ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) và Sắc Dực Bảo Trung Hưng Quan Thánh Đế Quân, phong tặng theo chiếu lễ Đàm Ân, cấp ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Với kiểu kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp uy nghiêm, chùa Diên Thọ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, không chỉ thu hút rất nhiều tín đồ phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan du lịch của tỉnh Quảng Trị.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc