Multimedia Đọc Báo in

Bình yên Triêm Tây

14:08, 04/07/2020

Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) là khu du lịch được xây dựng theo mô hình Làng văn hóa nông thôn có sự tham gia của cộng đồng, mang dấu ấn đặc sắc của một làng Việt.

Triêm Tây hiện là địa chỉ thu hút trên bản đồ du lịch Quảng Nam. Đây là một không gian làng quê đặc trưng xứ Quảng, với những con đường tre xanh râm mát, bình yên nở đầy hoa tím; ẩn mình dưới lũy tre xanh là những bãi bồi, nơi du khách bắt gặp tuổi thơ của mình qua cánh diều giấy chao liệng, tiếng gọi nhau í ới vang vọng trên dòng sông trưa nắng, ghe thuyền nhộn nhịp quăng chài giăng lưới giữa tiếng hò khoan của các chị, các bà nơi bến nước khiến du khách ngỡ như lạc vào thế giới đong đầy kỷ niệm thời thơ ấu.

Chủ nhân của Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây là kiến trúc sư Việt kiều Bùi Kiến Quốc (Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp) nhưng lúc nào cũng thích giới thiệu mình là một “anh nhà quê Quảng Nam. Sang Pháp từ lúc nhỏ, hưởng thụ nền học vấn và văn hóa Pháp, trở thành một kiến trúc sư, Bùi Kiến Quốc thiết kế và tham gia thiết kế nhiều đề án kiến trúc hiện đại nhưng trong lòng ông luôn xem những giá trị văn hóa Việt ở quê hương là vô giá.

Nhà “cách điệu” ở Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây.
Nhà “cách điệu” ở Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây.

Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây được xây dựng vào tháng 6-2009 trên tổng diện tích gần 13.500 m2 được giữ nguyên phong cảnh của một làng quê xứ Quảng. Mục đích chính của kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc trước khi triển khai dự án là nỗ lực giữ đất, giữ làng nơi có gần 150 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề dệt chiếu và làm nông đang nằm trong đề án di dời dân của tỉnh bởi tốc độ xói lở quá nhanh. Đề xuất của ông đã thuyết phục được chính quyền địa phương. Sau nhiều năm kiên trì cải tạo 120 m bờ kè ven sông, làng Triêm Tây đã trụ lại được qua bao mùa mưa lũ. Giờ đây, nhiều hộ dân Triêm Tây sống bằng nghề làm du lịch cộng đồng. Cả khu nhà vườn đã có 20 phòng lưu trú. Mỗi phòng rộng 3,6 m, dài 4,8 m, được làm bằng sườn tre, lợp tranh, vách gỗ, thiết kế cửa song sập vừa lấy ánh sáng, vừa điều chỉnh nhiệt độ mà vẫn mang phong cách nhà Việt. Đặc biệt nơi đây, hằng ngày có đội thuyền phục vụ du khách tham quan trên sông Thu Bồn và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản, dân dã của xứ Quảng…

Bờ sông, lũy tre xanh, những chiếc thuyền chài là di sản văn hóa làng quê Việt Nam cần phải được bảo tồn cùng với nghề truyền thống ở đây như dệt chiếu, trồng trỉa hoa màu, đan lát... Nhiều du khách đến đây để được ở trong những ngôi nhà truyền thống và sinh hoạt cùng người dân trên đồng ruộng, sông nước. Không có gì thích thú bằng giữa buổi trưa hè, nằm mơ màng trên chiếc phản gỗ trong ngôi nhà vườn Triêm Tây đón ngọn gió mát lành từ mặt sông Thu Bồn, nghe tiếng ve kêu râm ran từ những hàng tre rũ bóng ven sông… Đến làng Triêm Tây, du khách còn thích thú với những hàng rào xanh, sạch, đẹp được trồng bằng các loại cây truyền thống như chè tàu, dâm bụt hoặc các loại dây leo tạo mảng xanh trên tường như cây thằn lằn, hoa giấy, dạ yến thảo, hoa mười giờ hoặc kết hợp tạo màu xanh trên tường rào bằng những chậu cây hoa cảnh… Triêm Tây là mảnh đất gắn liền với hình ảnh “bến nước sông quê” – nơi du khách có thể chứng kiến nếp sống sinh hoạt truyền thống của người dân xứ Quảng như những chiếc đò, thuyền chài lênh đênh trên sông nước. Vào những đêm trăng, du khách có thể nghe văng vẳng giọng hát hò khoan của dân ca xứ Quảng.

Nghề dệt chiếu ở thôn Triêm Tây.
Nghề dệt chiếu ở thôn Triêm Tây.

Làng Triêm Tây cũng là nơi có nhiều cảnh đẹp. Nói không ngoa thì ở Triêm Tây chỉ cần đưa máy ảnh lên là đã có ngay những bức hình đẹp, sinh động không thua kém bất kỳ phong cảnh thơ mộng nào. Đó cũng là lý do những năm gần đây, làng Triêm Tây được nhiều du khách chọn lựa đến tham quan, vãn cảnh, trải nghiệm, check-in…

Khi đến làng Triêm Tây, du khách cũng không thể bỏ qua những món ăn chân quê đặc trưng rất hấp dẫn từ gà, cá, tôm, rau xanh… đều là món “cây nhà lá vườn” do người dân trong làng làm ra…

Tiên Sa
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.