Multimedia Đọc Báo in

Hiểm họa từ đường điện tự kéo

18:17, 15/09/2014
Thời gian gần đây, tình trạng các hộ dân sống trên địa bàn buôn Cư M’blim (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) tự kéo điện về phục vụ sinh hoạt, khiến hệ thống đường điện nơi đây tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn điện giật, nhất là trong mùa mưa bão.
Đường dây điện kéo ngang qua đường không đủ độ cao an toàn.
Đường dây điện kéo ngang qua đường không đủ độ cao an toàn.

Buôn Cư M’blim có 278 hộ, với 1248 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc tại chỗ chiếm 60%. Dù chỉ cách đường điện chính khoảng 1km, nhưng từ nhiều năm nay, các hộ dân phải dùng chung đường dây điện tự kéo, họ tự mua dây điện, dựng trụ để kéo điện từ nguồn điện lưới quốc gia về nhà. Chính vì tự làm nên mọi thứ rất tạm bợ, các cột gỗ, cành cây được dùng để mắc dây điện, trong đó nhiều cột gỗ đã bị mục nát nên xảy ra đổ gãy thường xuyên, khiến cho nhiều đường dây điện bị võng xuống, chồng chéo lên nhau. Nhiều nơi dây điện nằm trên mái nhà, lẫn trong bụi cây, rẫy cà phê, nhất là điện kéo ngang qua đường không đủ độ cao quy định, ảnh hưởng đến người và phương tiện giao thông khi qua đây.  Anh Y Măn Bkrông - một người dân trong buôn cho biết, vườn cà phê nhà anh có ít nhất 10 sợi dây điện kéo ngang qua, nhiều chỗ dây điện bị võng, quấn chặt vào cây. Mỗi khi gió to, cành cà phê cọ xát với dây điện khiến dây bị hở dẫn đến rò rỉ điện. Vì vậy, khi ra vườn chăm sóc cà phê, mọi người trong gia đình anh ai cũng nơm nớp lo...!

Được biết, chi phí để kéo điện thắp sáng của các hộ dân trong buôn khoảng từ 6-8 triệu đồng. Một số hộ dân không có tiền nên mua dây điện kém chất lượng và tự ý đấu nối,

khiến việc truyền tải điện không bảo đảm, hiệu quả sử dụng thấp. Chẳng hạn như gia đình chị H’Phan Niê tự kéo điện về sử dụng hơn 10 năm nay. Do khoảng cách từ công - tơ tổng tới nhà khá xa nên chị phải kéo điện băng qua vườn của các hộ dân xung quanh để giảm chi phí. Trước đây, ít hộ sử dụng nên điện còn mạnh, nay nhiều hộ dùng chung một đường dây khiến điện ngày càng yếu, việc điện chập chờn, đứt dây, cháy bóng, mô tơ xảy ra thường xuyên. Chị kể, trung bình mỗi năm nhà chị xảy ra gần 20 lần đứt dây điện, nhất là vào mùa tưới cà phê, cũng may là chưa thiệt hại về người. Theo ông Y Dhai Niê, trưởng buôn Cư M’blim, tình trạng các hộ dân trong buôn tự kéo điện về sử dụng đã diễn ra từ năm 2002. Thực trạng này không chỉ gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với người dân. “Việc cột điện gãy hay dây điện đứt, gây mất an toàn được bà con phản ánh thường xuyên trong các cuộc họp buôn. Những lần như thế, chúng tôi chỉ biết ghi nhận sự việc, đồng thời hướng dẫn bà con nên cẩn thận trong việc câu, nối điện an toàn chứ không thể làm được gì hơn”, ông Y Dhai nói.

Điện là nhu cầu thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thiết nghĩ, để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng để sớm đầu tư mạng lưới điện ổn định, an toàn cho buôn Cư M’blim.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.