Multimedia Đọc Báo in

Đưa yếu tố văn hóa Voi phục vụ du lịch: Tại sao không?

15:30, 26/03/2014

Lễ cúng voi nhập buôn, cúng sức khỏe cho voi và kể cả lễ khóc voi… là những yếu tố văn hóa được hình thành từ rất lâu trong đời sống của cư dân bản địa, đặc biệt là ở các vùng Buôn Đôn, Ea Súp và Lak…vốn nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Những yếu tố văn hóa này có sức lôi cuốn và hấp dẫn không ít người có nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Rất tiếc, hiện nay ngành du lịch Dak Lak chưa tổ chức khai thác những yếu tố này để phục vụ du khách, qua đó làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.

Có thể nói, phát triển bền vững là mục tiêu đặt ra cho bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào trong quá trình đầu tư và phát triển. Với du lịch thì điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn tài nguyên phục vụ và thỏa mãn nhu cầu cho “nền công nghiệp không khói” này đang ngày càng suy giảm. Dễ thấy nhất ở Dak Lak hiện nay là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái đang mất dần chỗ đứng do phải đối mặt với vấn nạn môi trường, cảnh quan bị xâm hại, vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc bị mai một, biến dạng… khiến những người làm du lịch không khỏi quan ngại và phải loay hoay tìm cách để tồn tại.

 Hội voi vượt sông Sêrêpôk thu hút du khách, nhưng một khi cảnh quan môi trường  thay đổi thì sản phẩm du lịch này sẽ không còn.
Hội voi vượt sông Sêrêpôk thu hút du khách, nhưng một khi cảnh quan môi trường thay đổi thì sản phẩm du lịch này sẽ không còn.

Buôn Đôn và Lak là hai điểm đến khá nổi tiếng ở Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung cũng đang gặp phải những khó khăn trên. Vì vậy, nói như bà Mai Hoan Niê Kdăm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban phát triển du lịch Dak Lak tại cuộc họp thường kỳ hồi tháng 2 vừa qua, rằng: “Nếu không nỗ lực tư duy, tìm kiếm và xây dựng thêm những sản phẩm du lịch có tính lợi thế cạnh tranh cao và đặc sắc nhằm thu hút du khách thì bức tranh du lịch tỉnh nhà sẽ không thoát được thực trạng đơn điệu như hiện nay. Điều đó cũng phải được nhìn nhận như một lực cản  không thể không quan tâm trong lộ trình phát triển đến năm 2020 là làm cho du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”. Nhận định ấy cũng là lời cảnh báo đối với những doanh nghiệp đang khai thác, kinh doanh du lịch trên địa bàn, nhất là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái. Thực tế cho thấy, sản phẩm phổ biến của loại hình du lịch này hiện nay vẫn chỉ là cưỡi voi, bơi thuyền độc mộc, thưởng thức diễn tấu cồng chiêng…So với những địa phương khác trên địa bàn Tây Nguyên thì những sản phẩm du lịch ấy không đặc sắc, bởi nơi nào cũng có. Vì thế nhiều người cho rằng, nên đi sâu khai thác một vài sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh hơn, ví như các yếu tố làm nên Văn hóa Voi ở Buôn Đôn và huyện Lak là hướng đi phù hợp.

Hiện nay, voi ở đây chủ yếu được sử dụng vào việc đưa đón du khách thăm thú, thưởng ngoạn cảnh sắc trong vùng. Tuy nhiên, trước thực trạng môi trường suy giảm (rừng bị thu hẹp, sông suối khô kiệt…) và đặc biệt là số lượng đàn voi nhà không còn nhiều do tần suất khai thác quá mức đã khiến sản phẩm du lịch này trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Ông Y Ka Byă - Bí thư Đảng Bộ xã Krông Na - huyện Buôn Đôn cho rằng: nên khai thác đàn voi nhà theo hướng khác, chẳng hạn tổ chức những buổi lễ liên quan đến đời sống văn hóa giữa voi và cộng đồng bản địa để thu hút mọi người, thay vì chỉ đưa voi làm phương tiện chuyên chở du khách tham quan như hiện nay. Thực tế qua Hội Voi Buôn Đôn vừa rồi cho thấy các lễ cúng voi bao giờ cũng thu hút đông đảo người xem nhờ bản sắc văn hóa độc đáo và đặc sắc chứa đựng trong đó. Thông qua hoạt động này, bạn bè, du khách dần hiểu được con người và vùng đất nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi huyền thoại. Ông Phạm Tâm Thanh - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng: để làm sống lại các giá trị văn hóa, du lịch của vùng đất huyền thoại này thì việc khai thác, tái hiện các lễ hội về voi là bước đi thích hợp và cần thiết. Theo ông Thanh, không phải đến giờ vấn đề này mới được quan tâm và đặt ra, mà từ tháng 3-2008, trong “Tuần lễ văn hóa-Du lịch Dak Lak” được tổ chức tại nhiều địa điểm (trong đó có Buôn Đôn), thông điệp “tôn vinh các giá trị Văn hóa Voi” cũng như “thay đổi cách ứng xử với Voi” trong hoạt động du lịch để vừa tạo ra sản phẩm du lịch bền vững, vừa bảo vệ loài động vật hiền lành và thông minh này đã được bàn đến. Theo đó, chính quyền địa phương cũng đã có giải pháp, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn hướng đến mục tiêu trên nhằm cải thiện hình ảnh ngành du lịch tỉnh nhà trong tương lai.

Tuy nhiên, cho đến nay một “kịch bản” được cho là hoàn hảo và khả thi để hiện thực hóa điều đó vẫn chưa được hình thành. Tại sao? Câu trả lời vẫn nằm ở chỗ sự liên kết, hợp tác giữa các bên (doanh nghiệp - Nhà nước - người dân) vẫn còn lỏng lẻo. Bởi muốn tạo ra sản phẩm du lịch về Văn hóa Voi có chiều sâu thì nhất thiết phải hiểu về nó, và hơn ai hết chủ nhân của vốn văn hóa đó phải được mời tham gia với sự quan tâm, đầu tư đúng mức từ phía doanh nghiệp cũng như các ban, ngành liên quan. Nói như ông Y Ka: họ phải thật sự là “kiến trúc sư” tham gia một cách hiệu quả vào các sản phẩm du lịch trên. Tiếc là vì một lý do nào đó, điều này không được cộng đồng làm du lịch ở đây nhận thức và ứng xử công tâm, hài hòa…cho nên tiềm năng văn hóa sâu dày từ đời sống săn bắt, thuần dưỡng voi cũng như các hoạt động liên quan khác đến đàn voi nhà chưa được phát huy để trở thành sản phẩm du lịch nổi bật, đặc sắc và bền vững.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.