Multimedia Đọc Báo in

Những "hạt sạn" trong mùa lễ hội

08:49, 26/03/2014
Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết Nguyên đán, khi bầu trời Tây Nguyên lồng lộng nắng gió cũng là lúc Dak Lak bước vào tháng lễ hội. Hàng loạt lễ hội với quy mô khác nhau được tổ chức đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Nhưng cũng thật buồn khi nhiều lễ hội đã để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp...

Đầu tiên là những "biến tướng" tại các lễ hội. Trong quan niệm của nhiều người, tháng giêng là “tháng ăn chơi”. Vì vậy, họ thường chọn lễ hội để thực hiện chuyến du xuân. Lễ hội là cây cầu nối truyền thống với hiện tại, là cách để người ta tưởng nhớ tổ tiên, là một hoạt động đậm chất văn hóa. Cũng chính vì thế, khi lòng tham, sự bon chen và cả lừa lọc xâm nhập vào, nhiều lễ hội phải chứng kiến những hành vi thiếu văn hóa. Có “cung” ắt có “cầu”, kéo theo lễ hội là một đội ngũ đông đảo cò mồi, những tay cờ bạc bịp... đã khiến mùa lễ hội năm nay có nhiều cảnh bi hài. Tiêu biểu cho sự biến tướng này là Lễ hội Hảng Pồ – chợ đầu Xuân diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2 tại xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ). Đây là lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày, Nùng ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn mang theo khi vào sinh sống trên mảnh đất cao nguyên. Thế nhưng tại Lễ hội Hảng Pồ, hầu hết không gian trong khu vực trung tâm, bên cạnh những khu vui chơi cho trẻ em là hàng loạt quầy bầu – cua – tôm – cá được bày ra để sát phạt nhau bằng tiền, thực chất đây là một hình thức cờ bạc bị pháp luật nghiêm cấm. Đáng nói là ở những “sòng bạc” này luôn diễn ra hết sức sôi động và hình thức này được tổ chức khá chuyên nghiệp.

Cùng với hiện tượng “chặt chém”, tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách tại Hội voi và Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 cũng diễn ra khá phổ biến.
Cùng với hiện tượng “chặt chém”, tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách tại Hội voi và Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 cũng diễn ra khá phổ biến.

Không rơi vào tình trạng bị biến tướng như trên thì tại Hội Voi và Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 lại xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách. Khác với những lễ hội lần trước, Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 được lồng ghép vào Chương trình Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014. Do đó quy mô của lễ hội được đẩy lên khá cao, lượng du khách chủ yếu là từ ngoài tỉnh đến nên những người kinh doanh tại đây được cơ hội “chặt chém” du khách. Từng chứng kiến tình trạng “chặt chém” tại các điểm du lịch vào mùa lễ hội nên đến với Buôn Đôn, anh Lê Anh Dũng (TP. Hồ Chí Minh) và bạn bè đã cẩn thận chọn nhà hàng của Trung tâm Du lịch Buôn Đôn để ăn cơm trưa. Theo suy luận của anh Dũng, dẫu sao đây cũng là “điểm kinh doanh có thương hiệu” nên sẽ tránh phải mua đắt. Nhưng thực tế anh vẫn bị “chém” như thường. Với 1 tô canh cá, một đĩa rau xào và một tô cơm trắng anh Dũng đã phải móc ví trả số tiền hơn 400 nghìn đồng. Chỗ “có thương hiệu” đã thế thì những nơi khác ắt sẽ không thể bình thường. Tại một quán nước, nhiều du khách phải trả tiền một cốc nước mía với giá 15 nghìn đồng. Nhưng sau một lúc ngồi nói chuyện biết chúng tôi là phóng viên đang tác nghiệp tại Lễ hội và lại là người Dak Lak nữa nên khi tính tiền, hai cốc nước mía chúng tôi chỉ phải trả… 16 nghìn đồng.

Đó chỉ là những ví dụ nhỏ về những “hạt sạn” trong mùa lễ hội năm nay. Thiết nghĩ lễ hội là nơi hội tụ những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của một vùng và là một nét đẹp của văn hóa dân tộc, cần phải giữ gìn, trân trọng. Vì vậy những nhà tổ chức lễ hội và những người liên quan cần phải chấn chỉnh để lễ hội diễn ra với đúng bản chất của nó và khơi gợi những hình ảnh tốt đẹp mỗi khi du khách đặt chân đến với Dak Lak…

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.