Có một đời sống khác của cồng chiêng
Diễn tấu cồng chiêng trên sân khấu, hoặc tại tụ điểm sinh hoạt văn hóa hay trong các tour - tuyến du lịch… đang dần trở thành hoạt động phổ biến hiện nay trên địa bàn Dak Lak. Nhiều người cho rằng, đó cũng là một cách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng; hay nói cách khác: Cồng chiêng đã có một đời sống khác xưa…
Sống nhờ cồng chiêng
Nghệ nhân Y Míp, Ma Kim của đội cồng chiêng trứ danh buôn Kô Sia (TP. Buôn Ma Thuột) cũng thừa nhận: việc sống nhờ cồng chiêng đang là thực tế của nhiều gia đình người dân tộc bản địa hiện nay. Bởi rằng, ở đây ai nắm giữ được vốn văn hóa truyền thống của ông bà để lại, trong đó có cồng chiêng thì đời sống của họ khá lên trông thấy. Không những gia đình Y Míp, Ma Kim…mà nhiều nghệ nhân trong buôn Kô Sia do thường xuyên được mời tham gia diễn tấu cồng chiêng trong và ngoài tỉnh nên thu nhập của họ được cải thiện. Y Míp chia sẻ: có tháng anh kiếm được 5-7 triệu đồng từ các sô biểu diễn. Còn ông Ma Nhiếp (buôn Kô Tam-TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, hoạt động biểu diễn cồng chiêng, dù dưới hình thức nào: liên hoan văn hóa-văn nghệ, ở nhà hàng, khách sạn hay phục vụ khách du lịch… đều có thu nhập đáng kể. Ma Nhiếp tâm sự: trước đây, thỉnh thoảng một năm vài lần được mời đi biểu diễn, thù lao được trả hay không mình chẳng quan tâm, miễn là được đánh cái chiêng lên cho mọi người nghe là cảm thấy sung sướng lắm rồi. Bây giờ khác, kinh tế thị trường mà, nên mỗi khi đem chiêng đi biểu diễn là có thu nhập - và không phải ít đâu, có khi đến mười mấy lượt mỗi tháng được mời tham gia. Vì thế trong cộng đồng người Êđê ở buôn Kô Tam này đã dần hình thành nhiều đội diễn tấu cồng chiêng để đáp ứng cho những ai có nhu cầu. Và cứ thế, đến nay nhiều nghệ nhân (cả già lẫn trẻ) coi đây là một nghề kiếm sống.
Nghệ nhân trong đội chiêng Kô Sia luôn dày đặc lịch tham gia biểu diễn. Trong ảnh: Một lẫn biểu diễn tại khách sạn Đam San. |
Cũng từ thực tế ấy, có những nghệ nhân như Y Thim (buôn Ea Bông-xã Cư Êbur – TP. Buôn Ma Thuột) đã nhanh nhạy và táo bạo hơn đứng ra thành lập đội văn nghệ chuyên biểu diễn cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc để tự nuôi sống mình và nhiều người khác trong cộng đồng. Đến giờ, trong giới kinh doanh hoạt động văn hóa - văn nghệ ở Dak Lak nhiều người biết đến “gánh hát” của Y Thim. Ngoài sự góp mặt tại các cuộc liên hoan cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc do ngành văn hóa tổ chức hàng năm, hoặc tham gia trình diễn chào mừng nhân sự kiện chính trị nào đó ở trong và ngoài tỉnh, thì đội cồng chiêng kết hợp với múa hát dân gian của Y Thim thường xuyên được mời đi biểu diễn tại nhiều nơi trên địa bàn Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận với lịch trình khá đều đặn. Y Thim cho biết: không những đem chiêng chiêng đi đánh bên ngoài, mà “gánh hát” của anh còn tổ chức phục vụ tại nhà, nếu ai đó có nhu cầu. Dịch vụ này hiện đang tỏ ra rất hút khách, vì theo Y Thim, những người đến đây thưởng thức văn nghệ cồng chiêng không những được sống trong không gian gần như nguyên vẹn của buôn làng cổ xưa, mà còn có cơ hội mở rộng hiểu biết về đời sống, sinh hoạt văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của tộc người Êđê bản địa.
Có nên khuyến khích?
Về vấn đề này, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Những người làm công tác quản lý văn hóa cho rằng: sự có mặt của các nghệ nhân, các đội chiêng ở trong bất cứ không gian và hoàn cảnh nào cũng cùng chung mục đích là quảng bá, giới thiệu rộng rãi về một di sản văn hóa đã được thế giới tôn vinh; qua đó góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VH-TT-DL) đánh giá: Tiếng chiêng không còn bó hẹp trong “môi trường thiêng” nữa, mà đã có mặt khắp nơi trong bối cảnh xã hội mới. Những dịch vụ văn hóa - văn nghệ được mở ra, trong đó lấy cồng chiêng làm trung tâm để phục vụ nhu cầu thưởng lãm cho mọi người, đặc biệt là du khách khi đến Dak Lak là việc làm cần được khuyến khích, ủng hộ… Bởi thông qua hoạt động đó, không những giúp cho chủ nhân của vốn văn hóa ấy có điều kiện, cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn là phương cách thiết thực và gần gũi nhằm “xã hội hóa” chủ trương bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong giai đoạn mới.
Còn dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu khoa học thì “đời sống” của cồng chiêng đã khác xưa là điều đương nhiên trong đời sống đương đại. Không thể khăng khăng và cứng nhắc đòi hỏi việc bảo tồn cồng chiêng trong “môi trường thiêng” được, mà phải trên cơ sở kế thừa các đặc trưng mang tính nguyên dạng của loại hình âm nhạc độc đáo này để sáng tạo và phát huy những giá trị, tính năng mới phù hợp hơn với thời đại. Có điều, nhiều người còn băn khoăn: Đến một lúc nào đó, do thúc bách của đời sống, sự chi phối thái quá của vật chất sẽ khiến chính chủ nhân của vốn văn hóa cồng chiêng không cưỡng lại được, đành “nhắm mắt” đưa di sản này đi đến chỗ biến dạng, thiếu chân thực so với truyền thống thì vô cùng nguy hại. Trong thực tế, sự lo ngại trên đã xảy ra tại các tuor - tuyến du lịch văn hóa - sinh thái. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân đã từng chỉ ra: để thu hút du khách, một số đơn vị làm du lịch đã không ngần ngại “tự biên, tự diễn” các chương trình văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng không tuân theo bài bản nào cả, khiến công chúng thưởng lãm, trong đó đặc biệt là người có hiểu biết về văn hóa Tây Nguyên nói chung phàn nàn về sự chân thực và độ tin cậy trong các chương trình trên. Điều lo ngại và sự cảnh báo này không thể không quan tâm; và hơn ai hết, ngành văn hóa cũng nên coi đây là nhiệm vụ lâu dài của mình để cùng các cộng đồng dân tộc bản địa trên địa bàn Dak Lak tiếp tục làm tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong đời sống hôm nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc