Multimedia Đọc Báo in

Liên kết để phát triển du lịch

14:25, 28/05/2014

Nhìn lại bức tranh du lịch Dak Lak hiện nay, nhiều người cho rằng các doanh nghiệp (DN) kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” này phải thật sự liên kết lại, cả trong và ngoài tỉnh thì mới có hy vọng tạo đà khởi sắc. Từ đó làm bàn đạp vững chắc để giới thiệu, quảng bá và tăng tốc ngành kinh tế được xem là mũi nhọn của tỉnh đến năm 2020.

Bức tranh chung

Ông Phạm Tâm Thanh-Phó giám đốc Sở VH-TT-DL đánh giá: Đối với các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn theo du lịch, những năm qua đã có sự phát triển đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Điều đó thể hiện ở chỗ, riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có gần 50 khách sạn (trong đó có 2/3 cơ sở được xếp sao) và 75 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, đáp ứng năng lực lưu trú cho khoảng 4.000 người cùng một lượt/ngày đêm. Nhờ thế hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị có quy mô khu vực và toàn quốc thường xuyên được tổ chức tại đây, đem lại nguồn doanh thu đáng kể cho ngành du lịch địa phương. Còn các tour - tuyến du lịch văn hóa-sinh thái (VH-ST) khác như Bản Đôn, Buôn Trí, Hồ Lak, Thanh Hà… thì vẫn còn nhiều điều phải quan tâm. Thứ nhất, vấn đề quy hoạch, đầu tư tại các điểm trên còn manh mún, chắp vá và thiếu đồng bộ, nguyên nhân là do nguồn lực tài chính của các DN này còn yếu, thiếu sự chủ động liên kết, liên doanh với bên ngoài để phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn; thứ hai, sản phẩm du lịch của các đơn vị này vẫn còn quá đơn điệu, trùng lặp và thiếu tính đặc thù, độc đáo để hấp dẫn và níu chân du khách.

Tái hiện cảnh săn bắt, thuần dưỡng voi - một sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo của Dak Lak.
Tái hiện cảnh săn bắt, thuần dưỡng voi - một sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo của Dak Lak.

Mặc dù thời gian gần đây một số DN như Đam San, Công ty Du lịch Bản Đôn (thuộc Công ty cao su Dak Lak) đã tìm tòi, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới: Trải nghiệm với văn hóa cà phê; Bảo tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên cùng những lễ hội (tín ngưỡng, tâm linh) cổ xưa và giàu bản sắc của các dân tộc bản địa được nghiên cứu, chọn lọc để tái hiện lại… nhưng cũng chỉ mang tính thể nghiệm ban đầu, du khách còn chưa biết đến nhiều. Do vậy, cần phải tích cực tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ và sâu rộng hơn trên nhiều phương diện. Về vấn đề này, theo ông Thanh, ngoài trách nhiệm của các DN ra, UBND tỉnh cũng nên quan tâm tạo điều kiện cho ngành du lịch thành lập Trung tâm xúc tiến, quảng bá chuyên biệt hình ảnh của ngành đến với du khách một cách thường xuyên và có trọng tâm hơn. Theo đó, nhanh chóng xây dựng và thực hiện một cách đồng bộ. Đề án phát triển du lịch Dak Lak từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND, HĐND tỉnh thông qua, trong đó chính sách thu hút đầu tư phải được quan tâm hàng đầu, nhất là nguồn đầu tư từ các DN lớn từ bên ngoài…

Những chuyển biến bước đầu

Với Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung, việc các DN làm du lịch liên kết với nhau, nỗ lực “tiếp thị” để tìm kiếm, thu hút du khách cho mình cũng đang được các Hiệp hội Du lịch đầu tư quan tâm. Từ giữa năm 2012 đến nay, Hiệp hội Du lịch (HHDL) Dak Lak đã tập hợp, kêu gọi các DN làm du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia bốn đợt trao đổi và hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực phía Bắc và Nam bộ nhằm bàn giải pháp phát triển ngành du lịch địa phương. Ông Lê Hoàng Cơ - thành viên HHDL Dak Lak cho biết, cứ mỗi lượt đi tiếp thị như vậy, các DN tự xây dựng nội dung, chương trình cho mình dựa trên sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn như các đơn vị làm du lịch ở Buôn Đôn, Hồ Lak thì ưu tiên giới thiệu về sản phẩm du lịch cưỡi voi, thám hiểm rừng già và chinh phục các ngọn thác, đỉnh núi… Còn những đơn vị làm du lịch ở Buôn Ma Thuột và các vùng trọng điểm cà phê như Công ty Du lịch - Thương mại Dam San, Banmexco, Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak và một số hãng lữ hành khác thì tích cực quảng bá các sản phẩm đặc thù và khá mới mẻ hơn như tour trải nghiệm với cà phê, đi điền dã đến các buôn làng truyền thống của các dân tộc thiểu số để được sống và sinh họat trong không gian văn hóa - lịch sử của người bản địa… Tất nhiên, phương tiện chuyển tải “thông điệp” của từng DN làm du lịch ở Dak Lak đến với đối tác phụ thuộc vào điều kiện, kinh nghiệm của từng đơn vị. Ví như Công ty Du lịch - Thương mại Dam San, ngòai hình ảnh minh họa cho các tour, tuyến được in ấn nổi bật, sang trọng gửi đến khách hàng, còn có cả những đĩa CD được đầu tư dàn dựng có chiều sâu và hết sức công phu nhằm thu hút mọi người.

Còn nhớ, trong một đợt hợp tác, giới thiệu du lịch Dak Lak với các DN cùng ngành tại các tỉnh phía Bắc hồi cuối năm 2013, ông Bùi Văn Đức - Chủ nhiệm HTX voi Buôn Jun (huyện Lak) và bà Thanh Hà - Công ty Du lịch Thanh Hà cho rằng, qua những dịp được ngồi lại với nhau như thế mới lộ rõ nhiều vấn đề đáng quan tâm như giá cả, thời gian và thông tin của từng tuor, từng sản phẩm du lịch của từng vùng, miền và từng đơn vị kinh doanh trong khối kinh tế này mang lại. Ông Đức cũng hết sức đồng tình với việc hợp tác, chia sẻ nhau trên nhiều phương diện: lượng khách, cơ sở lưu trú, xây dựng sản phẩm cạnh tranh và cuối cùng là lợi nhuận mang lại. Chẳng hạn, trên địa bàn Dak Lak đến nay có hơn chục công ty lữ hành chuyên đứng ra đón - đưa, giới thiệu và phân phối lượng khách cho các đơn vị có tuor - tuyến trên địa bàn Dak Lak và ngược lại. Sự kết nối trong những hoạt động trên là rất cần thiết, bởi chính nó trước tiên giúp du khách chọn lựa được một điểm đến dễ dàng, thuận lợi hơn trong “quỹ thời gian” nhất định của mình. Ví dụ muốn cưỡi voi, ăn ngủ và sinh hoạt trong các gia đình người M’nông ở Lak trong thời gian (1 đêm 2 ngày) thì các công ty lữ hành phải chọn điểm đến cho du khách là Khu du lịch Hồ Lak; muốn vượt rừng, thăm thú các danh thắng Dak Lak thì vào Buôn Đôn; trải nghiệm với văn hóa cà phê hay các dịch vụ giải trí, mua sắm khác thì tìm đến Dam San, Bandontourmex… Tùy thời gian lưu trú, nhu cầu hiểu biết và cả khả năng tài chính của du khách để có sự điều phối, phân bố hợp lý hướng đến mục tiêu “tối thượng” là chia sẻ lợi ích cho nhau và tạo ra bức tranh du lịch đa sắc màu, hấp dẫn mà không chồng chéo, lặp đi lặp lại như hiện nay.

Theo nhiều DN làm du lịch ở Dak Lak, để hướng đến điều đó, rất cần ý thức của “người trong cuộc” khi bắt tay xây dựng và hoạch định cho một sản phẩm du lịch, cũng như chiến lược kinh doanh của mình. Phải lấy yếu tố lợi thế cạnh tranh làm đầu, nhất quyết từ bỏ ý nghĩ “người ta làm được, mình cũng làm được”, hoặc làm theo kiểu đua nhau một cách thiếu cân nhắc, tính toán; thậm chí thiếu lành mạnh như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc