Đi về đâu... thổ cẩm (!)
Sau bao nhiêu năm lay lắt với thổ cẩm, cuối cùng Amí Chil đành phải buông bỏ cái nghề vốn gắn bó với mình từ thuở bé - Bà tâm sự vậy rồi buồn bã thở dài: Thổ cẩm đã hết thời và Amí là nghệ nhân cuối cùng ở buôn Alê A (phường Ea Tam-TP Buôn Ma Thuột) xếp lại khung cửi để bươn chải mưu sinh bằng công việc khác.
Đến lượt ai nữa ?
Trong câu chuyện với Amí Chil, tôi biết bà đã cố gắng hết sức để giữ lấy nghề truyền thống của ông bà để lại, chứ thật tình không sống nổi với thổ cẩm được nữa, bởi đầu ra đã thu hẹp đến giới hạn cuối cùng. Mới năm vừa rồi, tôi đã nghe nghệ nhân này cảnh báo: lớp trẻ không còn tha thiết với thổ cẩm từ lâu, chỉ còn lại những người lớn tuổi như bà mới không đành đoạn bỏ nghề vì một lẽ văn hóa của thổ cẩm đã thấm sâu vào máu thịt họ. Mỗi lần được ngồi bên khung cửi là mỗi lần họ như được trở về và sống lại với ký ức sống động ngày xưa… Ngày mà Amí Chil còn là thiếu nữ, cứ mỗi sáng tinh sương đến khi đỏ đèn - công việc xe tơ, nhuộm sợi rồi dệt vải cứ cuốn lấy họ như thể tình yêu. Còn bây giờ đã khác, trong sự đìu hiu của làng nghề này, những người như Amí Chil bao năm qua cố níu kéo thổ cẩm cũng chỉ để thương nhớ một tình yêu đã qua. Và cũng vì thế, khi hay tin bà quyết định xếp lại khung cửi, tôi chẳng lấy làm bất ngờ mà còn tự hỏi: sẽ đến lượt ai nữa chia tay với thổ cẩm ?
Amí Chil người cố níu giữ thổ cẩm, nhưng nay đã phải chia tay với nghề. |
Tôi mang theo câu hỏi ấy lang thang quanh thành phố Buôn Ma Thuột để tìm hiểu thổ cẩm và nhận ra thị trường tiêu thụ mặt hàng này đã thật sự bị thu hẹp đến giới hạn cuối cùng. Tại những cửa hiệu bán đồ lưu niệm, trong đó có thổ cẩm của các tộc người Ê đê, J’rai, M’nông… thỉnh thoảng mới được khách phương xa tìm mua một vài món (chủ yếu là túi xách, bóp, khăn choàng), còn những mặt hàng “cổ điển” khác như váy áo, tấm đắp… thì tuyệt nhiên không thấy. Chi H’Diếp Niê ở buôn Akô D’hông (phường Thắng Lợi – TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: mặc dù đã thay đổi mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng, nhưng việc tiêu thụ vẫn không phải là chuyện dễ dàng. Hàng hóa của chị em ở buôn Akô D’hông làm ra đem đi ký gửi tại các Shop trong phố, cũng như tại những điểm du lịch có khi mất mấy tháng trời mới bán được một vài thứ. Tính ra không sống nổi với nghề nên ngày càng có nhiều người đành ngậm ngùi chia tay với thổ cẩm. Và cũng vì thế, không chỉ trong các buôn làng vắng hoe khung cửi, mà ngay cả những hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm được thành lập nhiều năm trước đây, giờ cũng trở nên lay lắt. Trước thực tế đó, một số HTX thổ cẩm như Tơng Bông (xã Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột), Buôn M’Liêng (xã M’Liêng - huyện Lak) đã nghĩ đến chuyện “phục hưng” thổ cẩm bằng cách kết hợp ngành nghề truyền thống này với hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương. Chị H’Riu (HTX thổ cẩm Tơng Bông) và Amí Hiao (HTX thổ cẩm Buôn M’Liêng) đã bỏ thời gian, công sức cùng với chị em thạo nghề nghiên cứu, tìm hiểu và nắm vững các yếu tố văn hóa thổ cẩm của dân tộc mình để giới thiệu đến du khách, với mong muốn cải thiện tình trạng khó khăn trước mắt. Song, do nguồn vốn đầu tư ban đầu không có, hạ tầng cơ sở để kết hợp giữa du lịch và văn hóa thổ cẩm chưa thể đáp ứng được nên lại rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm”. Amí Hiao tâm sự: có đôi lần một số đơn vị làm du lịch trên địa bàn dẫn khách du lịch đến Buôn M’Liêng tham quan, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của bà con. Qua giới thiệu, quảng bá về văn hóa thổ cẩm, họ tỏ ra thích thú và bỏ tiền ra mua vài món làm kỷ niệm. Song, những người dệt thổ cẩm ở đây cho rằng cơ hội đó không nhiều, một năm chỉ được đôi lần, vì thế vẫn chưa tìm được lối ra thật sự ổn định và bền vững cho thổ cẩm.
Cần lắm... “bà đỡ”
Ai cũng biết trong tình cảnh hiện nay, việc kết hợp làng nghề với du lịch là giải pháp tốt nhất để giải quyết những bức xúc trên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ quan nào đứng ra xúc tiến sự kết nối và chia sẻ lợi ích đó. Tôi đã nhiều lần nghe ngành văn hóa cũng như chính quyền một số địa phương đánh giá như “người đứng ngoài cuộc” rằng: Những người làm thổ cẩm- hoặc là do thiếu sự đầu tư (vốn, kỹ năng tiếp thị…), hoặc là do sự liên kết, hợp tác giữa du lịch với các làng nghề còn lỏng lẻo, không thường xuyên nên chưa tạo được động lực và cơ hội cho thổ cẩm “lột xác” vươn lên…Chị H’Dăm - Chủ nhiệm HTX thổ cẩm Tơng Bông tâm tình: nói như thế có nghĩa là chưa hiểu hết khó khăn thật sự của những người làm thổ cẩm đang gặp phải. Chị cũng đã nỗ lực xoay xở hết cách - từ việc mang sản phẩm đi tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, lên kế hoạch tổ chức quảng bá, giới thiệu thổ cẩm đến với khách hàng bằng nhiều “kênh”: trực tiếp cũng có và ký gửi cho các cửa hàng, đại lý thời trang cũng có, nhưng xem ra chẳng ăn thua gì. Điều mà HTX cần và mong mỏi hơn hết là có “bà đỡ” cho thổ cẩm một cách thực chất, đúng nghĩa… ví như có một chương trình (dự án) dài hơi nào đó của các cấp ngành liên quan giúp cho mặt hàng truyền thống này sống lại.
Những tâm sự nặng lòng của những nghệ nhân thổ cẩm trên, tôi chợt nhớ đến làng nghề thổ cẩm của người Chăm ở Ninh Thuận - cũng từng một thời lụi tàn, mất mát…, nhưng giờ đã hồi phục nhơ “bà đỡ” là những người làm văn hóa-du lịch ở dịa phương quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua đề án tổ chức hệ thống phân phối thổ cẩm người Chăm tại các thành phố lớn trên cả nước, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc, thời trang là con em của đồng bào Chăm cùng tham gia, nắm giữ. Ước gì thổ cẩm của người Ê đê cũng như các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên cũng được như thế để những làng nghề truyền thống này có một ngày được nhiều người biết đến và tìm lại vị thế như xưa.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc