Multimedia Đọc Báo in

Ngôi đình cổ gần 240 năm tuổi ở xứ Quảng

09:01, 07/05/2014
Đình Tiền hiền Thái Đông (tên thường gọi: Đình Thái Đông, tên chữ: Hương Hiền Sở Tự), tọa lạc tại tổ 1, thôn Thái Đông, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo các vị bô lão và các vị cao niên am hiểu chữ Nho trong làng thì đình Tiền hiền Thái Đông được xây dựng vào khoảng nửa sau thế kỷ 18 để thờ các vị tiền hiền, hậu hiền, các bậc tiền bối từ đất Nghệ An theo chân chúa Nguyễn Hoàng vượt đèo Hải Vân đến đây khẩn hoang, khai ấp, lập nên làng xã vào năm 1558. Theo gia phả còn lưu lại của một số họ tộc trong làng thì những bậc tiền hiền có công đầu trong việc khẩn hoang khai phá lập làng là: Trần Công Lặng, Hồ Công Khiêm, Phan Viết Tiến, Nguyễn Đình Tân... Cho đến nay vẫn chưa xác định chắc chắn tộc họ nào là tiền hiền, nhưng theo ý kiến của đại đa số người dân trong làng thì tộc Trần được xem như là tiền hiền đầu tiên của làng này...
 
Buổi ban đầu, việc khai khẩn ruộng đất ở đây gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mọi bề, hao tốn bao mồ hôi, công sức để phát quang lau lách, cây cối, đẩy lùi thú dữ... Nhưng với quyết tâm xây dựng vùng đất mới, những vị thủy tổ của các dòng tộc ở Thái Đông đã dần dần biến nơi đây thành một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu xanh tốt. Về sau các tộc họ khác thấy vùng đất này trù phú, dễ bề canh tác, làm ăn sinh sống nên đã kéo đến đây khai khẩn, lập nên xóm làng trù phú, đông đúc. Sau khi an cư lập nghiệp, lập thành làng xóm, cuộc sống dần dần đi vào ổn định; vào năm Thái Đức thứ nhất (năm 1778), con cháu các họ tộc trong làng  đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng một ngôi đình bề thế để thờ tự, tưởng nhớ và ghi ơn những bậc tiền nhân, những vị tiền bối đã có công khẩn hoang, khai phá lập nên vùng đất này. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, lịch sử, thiên tai, chiến tranh, và qua mấy lần trùng tu, sửa chữa nhưng ngôi đình vẫn còn còn giữ nguyên vẹn lối kiến trúc gỗ đặc trưng của vùng đất Quảng Nam do những người thợ mộc tài hoa làng Văn Hà (thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh ngày nay) xây dựng xưa kia...
Đình Thái Đông, xây dựng vào năm 1778.
Đình Thái Đông, xây dựng vào năm 1778.

Đình Tiền hiền Thái Đông là một công trình kiến trúc - nghệ thuật cổ được xây dựng theo kiểu thức "bát vầng", khung sườn nhà bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí "lưỡng long tranh châu", các bờ chái trang trí hình tứ linh (long, lân, quy, phụng). Ngôi đình có bố cục một gian hai chái, gian giữa rộng 2,85m, khoảng cách từ cột cái (cột  hàng nhất) đến cột quân (cột hàng hai) là 2,1m; khoảng cách từ cột quân đến cột hiên là 2m. Mặt cắt dọc gồm 5 hàng cột (2 cột cái, 2 cột quân và 1 cột hiên), được liên kết theo kiểu thức vì kèo giao nguyên, theo lối tam đoạn kẻ chuyền; đầu và đuôi kèo được chạm khắc hình hoa lá cách điệu. Đình có tường bao bằng gạch trát xi măng. Toàn bộ khung đình chịu lực trên 30 cột gỗ mít tròn được đẽo gọt công phu, tất cả các cột được kê trên đá. Trong đình có ba bệ thờ, thờ các vị tiền hiền, hậu hiền của làng Thái Đông. Mặt dưới của cây xà cò (đòn đông hạ) có khắc dòng chữ Hán, ghi lại năm xây cất ngôi đình: “Thái Đức nguyên niên nhị ngoạt kiết nhật An Thái bổn xã đồng kiến tạo” (tạm dịch là: đình được các tộc họ xã An Thái lập vào ngày lành tháng 2 năm Thái Đức thứ nhất (năm 1778). Như vậy, tính đến nay đình Thái Đông tồn tại gần 240 năm.

Đình Thái Đông từng được tú tài Võ Kiền (người tích cực tham gia phong trào Duy Tân chống Pháp) sử dụng để mở lớp dạy học và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào chống Pháp. Đình còn là nơi đặt trụ sở làm việc của xã An Thái (nay là xã Bình Nam, huyện Thăng Bình), là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã An Thái.

Hiện nay đình Tiền hiền Thái Đông đã được trùng tu, tôn tạo khang trang bề thế. Ngoài ngôi đình chính, các chư tộc trong làng đã quyên góp xây thêm một ngôi nhà bên cạnh (nhà trù) để làm nơi sửa soạn, chuẩn bị lễ vật cúng bái trong những dịp tảo mộ hay giỗ kỵ. Hằng năm cứ vào ngày 17-3 (ngày tảo mộ) và ngày 17-12 âm lịch (ngày giỗ), con cháu trong làng và các chư tộc tụ họp về đình để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân những vị tiền hiền, những thế hệ cha ông đi trước đã có công đức với làng. Đình Thái Đông đã được UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 11-2005.

Mai Hồng Lâm


Ý kiến bạn đọc