Multimedia Đọc Báo in

Thực trạng buồn về Nhà Văn hóa cộng đồng ở huyện Lak

10:16, 06/05/2014

Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) được ban hành kèm theo Quyết định số 119/QĐ-UB ngày 13-11-2003 của UBND tỉnh, tại Điều 2 đã nêu rõ: Chức năng NVHCĐ được thành lập để tập hợp công chúng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí và sáng tạo các giá trị văn hóa văn nghệ, thể thao cho toàn thể cộng đồng. Là nơi tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các loại hình hoạt động...

Đã hơn 10 năm kể từ khi Quy chế này được ban hành và triển khai thực hiện, hầu hết các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng được NVHCĐ. Tuy nhiên, dường như các NVHCĐ vẫn chưa thể thực hiện được đúng chức năng như quy chế đã đề ra. Thực trạng quản lý, sử dụng NVHCĐ ở huyện Lak là một minh chứng điển hình.

Hoạt động kém hiệu quả

NVHCĐ ở huyện Lak được xây dựng sớm nhất là vào năm 2004. Đến nay, toàn huyện đã có 88/91 thôn, buôn có NVHCĐ (còn lại 3 buôn chưa được xây dựng gồm: buôn Thái xã Bông Krang, buôn Dak Sar xã Dak Nuê và buôn Lách Ló xã Nam Ka). Theo đánh giá của ngành văn hóa huyện cũng như chính quyền cơ sở, khi NVHCĐ mới được xây dựng và đưa vào sử dụng, hầu hết được bà con nhân dân phấn khởi đón nhận. Sau khi xây dựng xong, các NVHCĐ đều được UBND các xã, thị trấn ban hành quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm điều hành, quản lý và đi vào hoạt động.

Nhiều NVHCĐ ở huyện Lak luôn im ỉm khóa do thiếu thiết chế và không gian sinh hoạt.
Nhiều NVHCĐ ở huyện Lak luôn im ỉm khóa do thiếu thiết chế và không gian sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo ông Nay Y Ngọc, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lak thì các NVHCĐ trên địa bàn huyện khó có thể hoạt động theo đúng Quy chế của UBND tỉnh ban hành. Nguyên nhân vì sao?, ông Ngọc phân tích: Theo Đề án xây dựng NVHCĐ đã quy định cụ thể về diện tích quy hoạch để hoạt động. Tuy nhiên, nhiều buôn không có quỹ đất xây dựng, hoặc quỹ đất chỉ đủ để xây dựng nhà chứ không có để xây dựng sân bãi hoạt động. Trong khi đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, còn lại vận động nhân dân tự đóng góp. Trong điều kiện kinh tế địa phương còn quá khó khăn, người dân không thể đóng góp đủ để hoàn thiện các hạng mục theo đúng yêu cầu. Thực tế này đã khiến cho quy mô xây dựng NVHCĐ trên địa bàn huyện không đạt theo yêu cầu quy hoạch, thiếu đồng bộ. Nhiều NVHCĐ không có sân chơi, thiếu nhà vệ sinh, giếng nước; thậm chí nhiều nơi còn không có kinh phí để mua sắm trang thiết bị, bàn ghế, loa đài, phông màn trang trí… Cũng bởi thiếu kinh phí nên các thôn buôn không thể tổ chức những hoạt động toàn phần như Quy chế của UBND tỉnh đề ra. Thực tế thì hiện tại những hoạt động ở NVHCĐ trên địa bàn huyện Lak cũng chỉ dừng lại ở các hoạt động như: sinh hoạt của các đoàn thể, họp dân… Nhìn chung, các hoạt động ở NVHCĐ trên địa bàn hiện đang ở mức độ cầm chừng và không hiệu quả. Thậm chí có một số nơi còn đóng cửa NVHCĐ trong thời gian dài không hoạt động.

Một trong những nguyên nhân khiến các hoạt động ở NVHCĐ kém hiệu quả nữa, theo ông Ngọc, là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm với tư tưởng còn trông chờ, ỷ lại cho đơn vị kết nghĩa; thiếu chủ động trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc Ban Chủ nhiệm. Trong khi đó, năng lực của Ban Chủ nhiệm các NVHCĐ thì chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng…

Xuống cấp trầm trọng

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc sinh hoạt tại NVHCĐ kém hiệu quả, ông Y Krang Ndu, Chủ tịch UBND xã Krông Nô lý giải là do những công trình này đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng không bảo đảm cho việc sinh hoạt của người dân. Ông Y Krang dẫn chứng: Toàn xã Krông Nô có tổng cộng 14 thôn, buôn đều đã được xây dựng NVHCĐ. Đến thời điểm này thì tất cả 14/14 NVHCĐ trên địa bàn đều đã bị hư hỏng, xuống cấp cần phải được sửa chữa kịp thời. Trong đó NVHCĐ của 5 buôn gồm: Liêng Krak, Yang Yôk, Dak Mứt, Phi Dih Ja A và Gung Dang hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải cải tạo gấp. “Tại những buôn này, khi có sinh hoạt gì thì mọi người thường tổ chức tại nhà các hộ dân, vừa an toàn, vừa đầy đủ tiện nghi như quạt, điện, nước…” -  ông Y Krang nói.

Tương tự như Krông Nô, xã Bông Krang có tổng cộng 9 NVHCĐ ở 9 buôn đều được xây dựng trong khoảng thời gian năm 2005-2006, đến nay hầu hết đã hư hỏng, có nhà còn ở mức nghiêm trọng. Ông Da Ly Kră Jễn, Phó Chủ tịch UBND xã than trời: “Chất lượng chung của các công trình NVHCĐ trên địa bàn hầu hết không bảo đảm. Qua thực tế kiểm tra các NVHCĐ đều có tình trạng chung là 80-90% cửa kính bị bể, khung cửa sắt đã bị gỉ sét và mục. Nền nhà bị sụt lún, nứt nẻ, phồng rộp, phần hiên nhà cũng bị vỡ, lún, nứt. Đa phần các nhà mái tôn không còn bảo đảm, mưa thì dột, còn gió thì va đập rất nguy hiểm”…

Điển hình cho thực trạng NVHCĐ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng có lẽ là tại buôn Đieo, xã Bông Krang. Tận mắt đến đây mới có thể cảm nhận được mức độ mất an toàn của NVHCĐ này. Hầu hết nền, móng và hiên nhà đã bị sụt lún, tường xây thì nứt nẻ, có đoạn chiều rộng của khe nứt đến 2cm, nguy cơ sụp đổ là rất cao. Ông Y Hin Hlong, trưởng buôn kiêm Chủ nhiệm NVHCĐ buôn Đieo quả quyết: “Chỉ có công trình xây dựng kém chất lượng mới bị hư hỏng kiểu này thôi. Nhà mới làm chưa được 10 năm (bàn giao năm 2006) mà đã hư hỏng kiểu này thì không thể chấp nhận được. Tiếc là khi chủ đầu tư cho xây dựng, người dân chúng tôi không được tham gia giám sát…”.

Chia sẻ với nỗi bức xúc của người dân cũng như chính quyền cơ sở, ông Nay Y Ngọc cho biết: UBND huyện Lak đã vừa thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực trạng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn để đề xuất phương án cũng như kinh phí tu bổ. Và thực tế đáng buồn là hầu hết các NVHCĐ trên địa bàn đều đã hư hỏng, xuống cấp, cá biệt có những nhà đã bị hư hỏng nặng, chỉ còn khoảng 40-50% giá trị sử dụng, người dân không dám đến để sinh hoạt. Nhận định về nguyên nhân của tình trạng xuống cấp này, theo ông Ngọc thì một phần là do nhận thức của một số người dân cho rằng “đây không phải là nhà mình mà là của Nhà nước cho” nên tính tự giác trông coi, bảo vệ, quản lý tài sản chung chưa tốt. Còn về chất lượng xây dựng các công trình này, ông Ngọc khẳng định là ngành văn hóa không có trách nhiệm trong việc tham gia đầu tư xây dựng cũng như giám sát nên không đủ cơ sở để bình luận. “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của NVHCĐ, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở thực hiện Quy chế hoạt động của NVHCĐ. Còn chất lượng công trình thế nào, có bảo đảm hay không thì phải hỏi chủ đầu tư và đơn vị thi công” – ông Ngọc nói.  

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc