Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng huyện điểm văn hóa: Xong rồi, ai công nhận?

14:36, 28/05/2014
Từ năm 2005-2008, trên địa bàn Dak Lak có ba huyện Krông Pak, Cư M’gar và Krông Năng đăng ký xây dựng huyện điểm văn hóa theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, sau gần 10 năm triển khai, việc thực hiện các nội dung tiêu chí trong Đề án của các địa phương trên đều đã được triển khai, có nơi đã hoàn thành 80-90% kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Ví như huyện Krông Pak, trong 6 nội dung của đề án được HĐND các cấp và Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) phê duyệt và thông qua thì Đảng bộ và chính quyền địa phương này đã nỗ lực để đạt được những kết quả quan trọng và cơ bản trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục, việc làm và an sinh xã hội... Nói cách khác, chặng đường mà địa phương phấn đấu xây dựng huyện điểm văn hóa đã gần “cán đích”, dự kiến cuối năm 2015 hoàn thành để đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận danh hiệu. Được biết, trong thời gian rất ngắn còn lại, các huyện Krông Pak, Cư M’gar và Krông Năng đã có văn bản báo cáo, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL cũng như Bộ VH-TT-DL đánh giá và xem xét thêm một số nội dung liên quan nhằm tạo điều kiện cho người dân và chính quyền địa phương hoàn thành Đề án theo đúng thời gian, tiến độ đặt ra. Đó là: Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trì, chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ, đầu tư kinh phí kịp thời để xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu còn lại; Bộ VH-TT-DL ưu tiên đầu tư các chương trình mục tiêu cho các huyện điểm để tạo động lực mới cho phong trào; Vụ Văn hóa dân tộc cần tổ chức luân phiên các hội nghị, giao ban để trao đổi kinh nghiệm giữa 7 huyện điểm văn hóa trên cả nước. Đặc biệt, cần xem xét để giảm một số tiêu chí về văn hóa - xã hội chưa phù hợp với tình hình thực tế đối với một tỉnh miền núi như Dak Lak… Tuy nhiên, hiện các quy chế, thông tư liên tịch giữa Bộ VH-TT-DL, Tài chính và MTTQ Việt Nam trong việc hướng dẫn triển khai Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã khác trước so với 2008. Có nghĩa là những nội dung, tiêu chí (kể cả kinh phí thực hiện) Đề án Xây dựng huyện điểm văn hóa không có trong danh mục và không được công nhận, mà chỉ xét công nhận danh hiệu văn hóa cho cấp buôn, làng, thôn, bản, phum, sóc và tổ khối dân phố mà thôi (!). Vì vậy những đề xuất, kiến nghị trên không thể đáp ứng được do “vướng” vào quy chế.

Các cơ quan, đoàn thể huyện Krông Năng về buôn Wiao  (thị trấn Krông Năng) trao đổi, động viên người dân quyết tâm xây dựng  Huyện điểm văn hóa.
Các cơ quan, đoàn thể huyện Krông Năng về buôn Wiao (thị trấn Krông Năng) trao đổi, động viên người dân quyết tâm xây dựng Huyện điểm văn hóa.

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, tại buổi làm việc đầu tháng 5-2014 với Ban chỉ đạo Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Dak Lak để lắng nghe và lấy ý kiến từ các thành viên thường trực (Sở VH-TT-DL, Liên đoàn Lao động, MTTQ tỉnh) nhằm hoàn thiện Bộ tiêu chí quốc gia cho chủ trương trên, ông Vũ Đức Hải - Đại diện Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) cho rằng: việc xây dựng huyện điểm văn hóa chỉ mang tính chất khuyến khích các địa phương, chứ hoàn toàn không có trong quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng. Trong quy chế phối hợp của Bộ Nội vụ nêu rõ: Chỉ công nhận danh hiệu văn hóa cho các cấp cơ sở (buôn, làng, thôn, bản) chứ không công nhận ở cấp huyện, xã, phường, thị trấn. Theo đó, Bộ VH-TT-DL có chủ trương chung là nếu 7 địa phương trên toàn quốc (trong đó Dak Lak có 3), một khi hoàn thành Đề án Xây dựng huyện điểm văn hóa đến năm 2015 thì có thể bộ sẽ tặng cờ, hoặc bằng khen ghi nhận sự nỗ lực của các huyện trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chung, mà thôi. Như vậy, vấn đề đã rõ ràng, nhưng theo lãnh đạo ngành văn hóa Dak Lak thì sắp tới, không biết sẽ “ăn nói” với các huyện như thế nào, bởi công sức họ bỏ ra để thực hiện đề án trên không phải là nhỏ.

Phương Đình  


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.