Multimedia Đọc Báo in

Bếp của người Cơ Tu

16:26, 22/06/2014

Từ xưa tới nay, người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam rất coi trọng bếp lửa. Bếp lửa không chỉ để nấu đồ ăn và thức uống mà còn dùng chiếu sáng trong nhà sàn cho những sinh hoạt về đêm. Ngọn lửa trong bếp là biểu tượng của sự sống, phản ánh sự chống chọi của con người với thiên nhiên khắc nghiệt, sưởi ấm cơ thể trong những đêm mưa rừng Trường Sơn lạnh giá...

Theo phong tục cổ truyền, người Cơ Tu lập làng, dựng nhà đều chọn đất ở nơi núi cao, nơi đầu sông, suối. Làng được lập theo vòng tròn hay hình ô van, ở giữa có Gươl, xung quanh là các ngôi nhà lân cận kề nhau, mái hình mai rùa, lợp bằng lá mây, lá tranh. Khi cất xong nhà, một người có uy tín như già làng, trưởng thôn hoặc người lớn nhất trong gia đình sẽ đứng ra nhóm bếp lửa. Thường thì già làng là người nhóm bếp đốt lửa ở Gươl; còn trong các gia đình thì người bố nhóm bếp, nếu không có bố thì mẹ hay người lớn nhất trong nhà nhóm bếp. Trước đây người ta thường dùng đá xát với sắt thép tạo tia lửa và đốt cháy nguyên liệu (thường lấy rơm dễ bốc cháy) và thổi lửa lên bởi người Cơ Tu cho rằng phải tự tạo lửa ngay ở nhà mình chứ không nên vào nhà khác lấy lửa. Người Cơ Tu quan niệm rằng, việc đặt bếp lửa trong nhà là việc làm hết sức hệ trọng và mang ý nghĩa tâm linh với hy vọng ngọn lửa của bếp sẽ cháy mãi mang đến sự ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng cho dân làng hay mọi thành viên trong gia đình.
Hình ảnh bếp lửa trong  Gươl  và nhà sàn từ lâu  đã ăn sâu vào trong tâm thức của  đồng bào dân tộc  Cơ Tu  ở  vùng núi Quảng Nam.
Hình ảnh bếp lửa trong Gươl và nhà sàn từ lâu đã ăn sâu vào trong tâm thức của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam.

Để làm bếp lửa ở Gươl, đồng bào Cơ Tu thường đóng một cái bệ bằng gỗ, trong đó chứa đất sét, trên đặt ba hòn đá được lấy ở trên rừng, nơi đầu nguồn nước. Ở nhà riêng của từng gia đình, người ta cũng dùng đất sét đắp bếp cao hơn sàn nhà từ 12-15 cm, bao gờ tròn để tro không tràn ra ngoài và bên trên cũng đặt ba hòn đá. Bếp lửa luôn được đặt giữa nhà hoặc lệch về một góc nào đó sao cho ánh nắng buổi chiều không chiếu vào giữa bếp bởi người Cơ Tu cho rằng nắng chiều đã nóng gặp lửa càng nóng hơn sẽ khiến gia chủ gặp phải điều không may mắn. Ở nhà sàn (nhà dài) có nhiều hộ thì hộ nào có uy thế, khá giả sẽ được ưu tiên đặt bếp ở bốn góc nhà. Người Cơ Tu quan niệm rằng, tại đó có Giàng ở nên chủ nhà thường để vật quý tại đây, không người ngoài nào được đến chỗ đó. Xung quanh bếp được sắp xếp theo thứ tự: phía trong gian bếp là sàn ngủ của vợ chồng chủ nhà, bên trái là sàn dành cho ăn uống và sinh hoạt hằng ngày, bên phải là chỗ ngủ của con cái, phía ngoài sàn là nơi dùng để gia chủ tiếp khách. Vì lẽ đó mà những khách lạ không rõ tập tục xung quanh cái bếp rất dễ bị phật ý chủ nhà. Người Cơ Tu rất kiêng bỏ những đồ bẩn vào bếp; khách lạ, trẻ em đến nhà không được tự tiện nhóm bếp lửa… Vào mùa đông giá rét, gia đình người Cơ Tu quây quần ngủ xung quanh bếp lửa trong ngôi nhà sàn, chân hướng vào bếp để sưởi ấm.

Quây quần bên bếp lửa hồng
Quây quần bên bếp lửa hồng

Ở mỗi ngôi nhà sàn, người Cơ Tu làm từ 2 - 3 cái giàn lớn hay nhỏ tùy theo số người nhiều hay ít ở trong nhà. Trên giàn ấy, người ta thường đặt các loại lương thực như: sắn, củi, thịt rừng... Sắn hoặc măng được cắt khúc trải trên giàn cho mau khô. Các loại lương thực như bắp, lúa, nguồn thực phẩm từ rừng như thịt của các con nai, heo, mang... thì được treo dưới giàn để cho khô và ăn dần. Đặc biệt, dưới mái lá cọ trên giàn bếp, người Cơ Tu còn treo hàng trăm đầu của các con thú rừng mà họ săn, bắt được sau khi ăn thịt kèm theo một nghi lễ đơn sơ khấn Giàng luôn phù hộ cho gia đình săn, bắt được nhiều thú rừng. Ngoài ra, khi đan lát xong một dụng cụ như gùi, tơlét, rê, chuy, nia sẩy lúa, nơm cá, đồ tỉa lúa..., người Cơ Tu thường treo hoặc đặt trên giàn cho có màu cánh gián, làm bền, chắc và đẹp sản phẩm. Để bảo đảm sức khỏe, người Cơ Tu thường dùng những loại củi đốt không có chất dầu và ít khói, có nhiều khúc củi to, cháy âm ỉ suốt mấy ngày để giữ cho ngôi nhà sàn luôn ấm áp. Về đêm, các gia đình quây quần quanh bếp lửa để nghe người già kể chuyện, bàn chuyện làm ăn, gia đình, bộ tộc… Việc lấy củi là của người phụ nữ Cơ Tu; mùa hè thì xếp củi phơi ngoài sân, mùa mưa thì mang đặt gần bếp để xông cho chóng khô.

Bếp lửa
Bếp lửa đã trở thành nét văn hoá của người Cơ Tu

Vào mùa lễ hội truyền thống của buôn làng, người Cơ Tu cùng ngồi quanh bếp lửa chúc nhau cho bản làng ấm no, mùa màng tươi tốt. Bếp lửa không cháy bùng, nhưng than của nó thì lúc nào cũng rực hồng, hơi ấm của bếp lửa hòa cùng hơi ấm của những chén rượu tà vạt, t’đin hay bên ché rượu cần thơm nức. Bếp lửa trở thành sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình người Cơ Tu lại với nhau. Trải qua hàng nghìn năm, hình ảnh bếp lửa trở nên quen thuộc, gần gũi và đã ăn sâu vào tâm thức của cộng đồng người Cơ Tu...

Sơn Gia Phúc

 


Ý kiến bạn đọc