Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giữ gìn, bảo tồn không gian truyền thống buôn làng

09:44, 08/06/2014
Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa cồng chiêng Dak Lak, giai đoạn 2012-2015” đã được HĐND tỉnh thông qua với kinh phí lên tới gần 49 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm số tiền chi phí cho đề án khoảng 16 tỷ đồng – quả là một con số không nhỏ. Vậy nhưng, tiến triển của đề án liệu đã tương xứng với số tiền đầu tư?

Chịu khó quan sát một chút, ta sẽ thấy nội dung bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng trong giai đoạn này đặt ra hầu như không có gì mới so với đề án lần trước (giai đoạn 2007-2010): vẫn là công tác tuyên truyền, mở lớp dạy đánh cồng chiêng; bảo tồn không gian cồng chiêng tại một số buôn làng; phục dựng các lễ hội truyền thống của người bản địa; tổ chức liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng; hội nghị, hội thảo chuyên đề; sưu tầm và xuất bản các bài chiêng, nhạc chiêng của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ….

Thiết nghĩ, những nội dung này đâu phải đợi khi có đề án mới làm, mà toàn dân cùng với cả hệ thống chính trị đã và đang làm. Cứ cho rằng nếu có kinh phí và có cơ quan chịu trách nhiệm (là ngành Văn hóa) thì chắc chắn sẽ làm nhanh hơn, đạt hiệu quả hơn, song khi nhìn lại kết quả thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Dak Lak” giai đoạn trước (2007-2010) nhiều người không khỏi băn khoăn. Với kinh phí ở thời điểm đó là 6 tỷ đồng, đề án chỉ thực hiện được mấy việc: Tổng điều tra cồng chiêng trên địa bàn Dak Lak; phục dựng một số lễ hội, tổ chức 2 cuộc liên hoan cồng chiêng; mở 8 lớp dạy chiêng cho lớp trẻ; mua 128 bộ chiêng trang bị cho các nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn trên địa bàn.

Đến nay, đề án mới (giai đoạn 2012-2015) đã đi quá 2/3 chặng đường, nhưng theo ngành văn hóa địa phương cho biết: vẫn không có gì khác trước; vẫn là việc tiếp tục mở những lớp dạy đánh cồng chiêng; phục dựng các lễ hội truyền thống và hỗ trợ các nhà văn hóa cộng đồng mua sắm “nội thất” để hoạt động, trong đó có cồng chiêng. Đặc biệt, mục tiêu cao nhất đặt ra trong đề án giai đoạn này là tiếp tục hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, mà nền tảng là làng, buôn nhằm nâng cao vai trò, ý thức của chủ thể văn hóa cồng chiêng trong công tác bảo tồn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mục tiêu ấy quá chung chung và không biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào? Thiết nghĩ, đã đến lúc những người có trách nhiệm thực thi đề án nên xem xét một cách thực chất và sâu sắc hơn về việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Bởi giá trị của di sản không hẳn tách bạch riêng lẻ từng cái chiêng, bộ chiêng và hiệu quả âm nhạc của nó… mà là một tập hợp các giá trị đặc trưng và tiêu biểu, trong đó “không gian văn hóa - và cũng là không gian sống” của chủ nhân làm nên di sản mới là vấn đề cốt lõi.

 Với nguồn kinh phí đáng kể trên, nhiều người có tâm huyết mong rằng: ngành chức năng cần khẩn trương phối hợp ngăn chặn “vấn nạn” phá vỡ không gian truyền thống ở các buôn làng hiện nay. Đã đến lúc  nghiêm túc đánh giá xem trên địa bàn Dak Lak còn lại bao nhiêu buôn làng cổ xưa? Bản thân yếu tố văn hóa tiên quyết ấy hoặc là đang bị “bê tông hóa”, hoặc đang bị cơn lốc đô thị hóa tràn tới làm cho méo mó, biến dạng, thậm chí biến mất là thực trạng đáng báo động. Bởi nói gì thì nói, để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng một cách toàn vẹn, bền vững thì buôn làng truyền thống phải được khẩn cấp gìn giữ, bảo tồn. Chính không gian đích thực ấy mới đủ sức dung dưỡng văn hóa cồng chiêng trường tồn. Ở đây cũng xin được nhắc lại: UNESCO vinh danh cồng chiêng Tây Nguyên là “vinh danh không gian văn hóa cồng chiêng”, chứ không phải một yếu tố văn hóa đơn lẻ nào trong phức hợp văn hóa có giá trị độc đáo ở vùng đất này. Nên chăng sắp tới, với kinh phí còn lại gần một nửa, Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Dak Lak” cần tập trung khắc phục một cách thiết thực, có hiệu quả vấn đề nêu trên.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc