Multimedia Đọc Báo in

Đến Đà Lạt đón mưa

20:35, 22/08/2014
Tháng 8-2014, lần đầu tiên Đà Lạt tổ chức Lễ hội mưa. Thật ra không phải đợi đến khi Lễ hội này tổ chức, khách mới đến Đà Lạt trong những ngày mưa. Thành phố sương mù đầy thơ mộng với mây chùng, cỏ xanh và hoa cỏ bốn mùa ấy đã quyến rũ tôi biết bao lần trong những cơn mưa lạ lẫm.

Vào mỗi mùa, Đà Lạt đều có nét đẹp riêng. Vào mùa khô, đặc biệt trong những ngày cuối năm, trên những con đường đều ngập tràn một màu vàng hoa dã quỳ; dọc theo các triền đồi là loại hoa Mimosa đài các nở vàng và đó đây xuất hiện những chùm hoa mai anh đào sắc hồng chúm chím nở. Đà Lạt cũng đẹp vào mùa mưa, đó là mùa mà ở nhiều thành phố khác, mọi người phải trốn trong nhà để tránh cái nắng chói chang, đó là mùa mà học sinh nghỉ học, cũng là mùa các đơn vị cơ quan thường tổ chức những chuyến tham quan. Khi ấy Đà Lạt là nơi nghỉ mát, nghỉ dưỡng, cho nên dẫu vào mùa mưa Đà Lạt vẫn thu hút nhiều khách du lịch tìm đến thưởng ngoạn, khám phá vẻ đẹp của riêng mình.

Mùa mưa Đà Lạt thường bắt đầu bằng những cơn mưa vùi. Mưa tỉ tê như đang kể những câu chuyện tình. Nhưng mưa Đà Lạt không dày, không lê thê. Mưa rỉ rả một cách kỳ lạ, có khi mưa chỉ vừa đủ cho ướt tóc, vừa đủ cho những người yêu nhau thêm gần nhau hơn. Trời cũng khéo chọn thời điểm mưa: có ngày mưa vào buổi sáng, có ngày mưa vào buổi chiều – dường như mỗi ngày Đà Lạt lại dành cho du khách một buổi không mưa để rong chơi.

Du lịch Đà Lạt mùa mưa có cái thú riêng. Nếu đi bằng xe gắn máy, bạn sẽ tận hưởng được cái cảm giác nhìn Đà Lạt đẫm nước và khuất chìm trong sương mù. Dẫu mưa, những khu du lịch vẫn mở cửa đón khách, tất nhiên là khi đi chơi, bạn nhớ mang theo một chiếc áo mưa, để còn tránh những cơn mưa bất chợt.

Mưa, nhưng vườn hoa thành phố vẫn nhộn nhịp khách. Tại đây đã có nhiều hoa được trồng – và nếu không muốn mua vé vào bên trong, bạn vẫn có thể tận hưởng muôn sắc màu hoa được trang trí khá đẹp trước cổng. Mỗi con đường, mỗi góc phố Đà Lạt đều được trồng hoa. Thường thì hoa xác pháo và các loại hoa có màu đậm được trồng nhiều. Trên con đường Trần Phú có những bồn hoa, đường vòng Hồ Xuân Hương cũng có cả một công viên hoa bên sân vận động. Ghế đá được đặt nhiều nơi trong thành phố để bạn dừng chân nghỉ ngơi.

Những con đường quanh co góp phần tạo nên nét thơ mộng của Đà Lạt.
Những con đường quanh co góp phần tạo nên nét thơ mộng của Đà Lạt.

Trong cơm mưa, bạn có thể vào Thủy Tạ ngồi nhấm nháp ly cà phê nóng, ngắm nhìn hồ Xuân Hương mù đất trời. Vẫn có nhiều người thích chèo thuyền Pedalo dưới cơn mưa. Có thể bởi cảm giác rong chơi trong mưa ở thành phố cao nguyên này là cái thú. Dĩ nhiên là những quán cà phê trên đường Lê Đại Hành, đoạn từ bồn hoa Cầu Ông Đạo lên trên khu Hòa Bình là những quán có nét rất riêng của Đà Lạt. Mỗi quán cà phê có cách bố trí khác nhau. Quán có bàn trong nhà, bàn ngoài hàng hiên và có cả các góc nhỏ dành cho đôi lứa tâm tình. Uống cà phê trong mưa, trên con dốc cao không chỉ là uống, mà còn là tận hưởng cái lạnh chen cùng không gian đẫm ướt; tận hưởng và ngắm nhìn những con phố loáng nước trong màn mưa lưa thưa. Du khách cũng có thể lang thang theo con phố vào chợ Đà Lạt, ngắm nhìn người người mặc áo mưa chen lẫn trong chợ…

Mùa mưa là một phần của Đà Lạt. Thành phố cao nguyên bốn mùa lạnh ấy như được rửa sạch bụi bặm trên từng lá thông nhọn. Mưa làm cho những vạt cỏ ven đường xanh tốt, hân hoan đón bước chân du khách tìm tới. Nằm ở khách sạn, nhìn qua ô cửa kính, những giọt mưa Đà Lạt rơi trên phố, những chiếc xe lướt qua trong mưa cũng rất… Đà Lạt. Chỉ cần cơn mưa tạnh, lại đi ra đường, lại tìm đến một chỗ mà ai cũng  từng nghe  nhắc: hồ Than Thở, Thung lũng Tình yêu, thác Datanla, thác Prenn…để ngắm Đà Lạt thác, Đà Lạt hoa, Đà Lạt thông xanh. Cái thú chen mưa Đà Lạt quả thật là cái thú không thể nào quên được.

Khuê Việt Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.