Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm cùng ẩm thực Buôn Ma Thuột

16:10, 26/08/2014

Hội tụ ẩm thực đủ cả ba miền - từ phở Hà Nội đến cơm Sài Gòn, bún bò Huế và nhiều loại đặc sản khác của người bản địa…nhiều khách hàng cho rằng có một lần trải nghiệm cùng ẩm thực Buôn Ma Thuột mới thấy hết cái thú vị, bởi qua đó có thể nhận ra mỗi món ăn ở đây cũng có dư vị rất riêng của nó.

Sáng cũng như chiều, ở TP. Buôn Ma Thuột các món ăn điểm tâm được bày bán kể ra cũng phong phú lắm: bún, phở, cháo, mì, cơm, miến… đều đủ cả, thực khách tha hồ lựa chọn. Tuy nhiên, món ngon phổ biến mà nhiều người thích hơn hết vẫn là bún, phở. Nói về bún ở Buôn Ma Thuột thì phải nói rằng ít nơi nào phong phú bằng: Đậu, riêu cua, cá, chả, thịt  các loại…không thiếu thứ gì. Trong đó bún bò giò của những người Huế sống lâu đời ở thành phố này nêm nấu là ngon và hấp dẫn  nhất. Bởi thế mà các quán Nhân (đường Hà Huy Tập), quán Quyên (đường Nguyễn Tất Thành), quán Hai chị em (đường Trần Phú), hay 337 ở góc đường Y Jút…thường đông đúc thực khách. Cái lạ của tô bún bò giò gốc Huế ở đây là khá to (nước lẫn cái) và rất béo, còn hương vị thì không cay và dậy mùi ruốc, sả bằng ở quê hương bản quán. Sự biến tấu ấy cũng chẳng lấy gì làm lạ, bởi người ăn ở thành phố cao nguyên này là dân tứ xứ, nên trong cách nêm nấu phải gia giảm chút ít gia vị cho vừa miệng thực khách. Ấy vậy mà nhiều người ăn riết thành ghiền, kể cả người Huế gốc lên sinh sống lâu năm ở Buôn Ma Thuột.

Thực khách đến thưởng thức các món ăn tại khu ẩm thực chợ Buôn Ma Thuột.
Thực khách đến thưởng thức các món ăn tại khu ẩm thực chợ Buôn Ma Thuột.
 
Còn phở thì sao, có như ở xứ Bắc tự hào là “Đệ nhất ẩm thực” hay không? Công bằng mà nói, món này “di cư” vào Buôn Ma Thuột khá muộn màng, nên danh tiếng và sức hấp dẫn của nó ban đầu không nổi tiếng lắm. Cũng mất gần ba thập kỷ qua, phở ở Buôn Ma Thuột mới thật sự là lựa chọn của nhiều người, bởi phở ở đây không những ngày càng ngon mà còn sang nữa! Lạ cho cái món ăn này ở chỗ: quán càng lớn, càng quy mô thì thực khách tìm đến càng đông, chứ không như các món ăn khác, kể cả bún bò giò Huế - cứ tuềnh toàng, thậm chí người bán không ngại bày ra trên các vỉa hè, góc phố nào đó để kiếm sống cũng được, miễn là ngon thì có người nhớ đến. Điều đó thật không ngoa, bất kỳ ai chịu khó quan sát khắc biết: phở Tráng có dinh thự đồ sộ ở Duy Hòa, đường Trần Khánh Dư, phở Nguyên mấy tầng lầu nổi lên trên đường Mai Hắc Đế, phở Sơn rộng rãi, thoáng đãng trên đường Nguyễn Đức Cảnh, và phở Hiên trên đường Lê Hồng Phong cũng được sửa sang, nâng cấp bề thế. Xem ra món phở ở Buôn Ma Thuột đã có đất sống và nhanh chóng phất lên hơn cả, không như nơi chốn xuất xứ của nó là gánh rong, hoặc đẩy xe rao bán khắp hang cùng ngõ hẻm… Phở Buôn Ma Thuột “lên đời”, hay nói cách khác đã mang gương mặt mới, xứng danh là “đệ nhất ẩm thực” trên xứ cao nguyên này, vì chủ nhân của nó phần lớn được “chân truyền” từ nhiều đời nên biết chế biến rất ngon và rất đúng “gu” với người sành ẩm thực.

Rồi về đêm, khi thành phố lên đèn, ai đó cứ thử một lần thả bộ dọc các vỉa hè, hẻm phố Lê Hồng Phong, Quang Trung, Y Jút, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt… sẽ có trải nghiệm vô cùng lý thú. Ở đó, người ta bày bán đủ thứ: từ chén cháo trắng, ổ bánh mì, đĩa xôi… đến tô bún, hoành thánh đủ hương vị mọi miền. Kẻ bán - người ăn có khi dung dị, chậm rãi, cũng có khi gấp gáp, hối hả đủ điều. Thực khách đến ăn chẳng bao giờ là mối quen cả: là các cô cậu học sinh, sinh viên, cánh thợ thầy, công nhân và những người làm thuê độ nhật lỡ bữa qua đường. Tuy nhiên, nếu để ý một chút sẽ thấy chủ quán trên các vỉa hè kia thì quen lắm. Năm hay mười năm (có khi lâu hơn) họ vẫn không thay đổi, như quán xôi gà, cháo gà của anh Cón, mệ Lài trong hẻm đường Y Jút, hủ tíu chị Út trên vỉa hè Quang Trung… người đi xa Buôn Ma Thuột hàng chục năm ghé lại vẫn thế - ăn ngon quen miệng và vẫn thân thiện như xưa.

Câu chuyện ẩm thực ở Buôn Ma Thuột phong phú, giàu bản sắc là thế nên nhiều ý kiến cho rằng: tại sao những người làm du lịch ở đây không thiết kế tour ẩm thực cho du khách trải nghiệm? Biết đâu nó trở thành sản phẩm du lịch thật sự hút khách như ở Huế, Hội An đã làm và được nhiều du khách lựa chọn.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.