Multimedia Đọc Báo in

Đến Hồ Lak thưởng thức chả cá thát lát

15:01, 14/09/2014
Thát lát là loài cá ăn tạp, sống ở các sông, suối, ao, hồ, thân dài, dẹt, có đuôi nhỏ, vảy nhỏ phủ toàn thân, miệng rộng, mõm ngắn bằng, rạch miệng kéo dài đến trước ổ mắt.

Ông Dương Hồng Xuân, một ngư dân đánh cá ven Hồ Lak cho biết, cá thát lát thường sống ở những vùng nước sâu, có thể đánh bắt bằng lưới, câu…. Mồi câu ưa chuộng của loài cá này là giun, tép, ăn mày (một loài ấu trùng của chuồn chuồn)… Tuy nhiên, không phải câu thời điểm nào cũng được mà phải dựa vào màu nước, thời tiết, thời kỳ sinh trưởng của cá. Ông Ama Vooc một người làm nghề câu cá tại Hồ Lak có thâm niên hơn 40 năm ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn chia sẻ, cá thát lát rất kén mồi khi nước đục, mưa nhiều ngày hay thời kỳ sinh sản của cá mẹ. Loài cá này nhiều xương nhỏ, rất khó ăn, trước đây thường làm thức ăn cho heo, gà…, nhưng 20 năm trở lại đây, nó trở thành đặc sản đem lại thu nhập cao cho người dân, từ 85.000 - 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi các loài cá khác. Do giá bán cao nên một số hộ đã đưa giống cá này vào nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nạo thịt cá thát lát tại một cơ sở chế biến chả cá thát lát ở thị trấn Liên Sơn.
Nạo thịt cá thát lát tại một cơ sở chế biến chả cá thát lát ở thị trấn Liên Sơn.

Vào thăm cơ sở chế biến chả cá thát lát của gia đình bà Lê Thị Hai, tổ dân phố 2, thị trấn Liên Sơn chúng tôi được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm chả cá từ khâu sơ chế đến thành phẩm. Theo đó, cá thát lát mua về được sơ chế ngay: cắt bỏ đầu, lấy ruột, rửa sạch, để ráo nước. Dùng dao khứa đôi con cá theo chiều sống lưng, sau đó dùng thìa nạo lấy thịt cá từ đuôi lên để xương không dính vào phần thịt. Giã nhỏ hành, tỏi, tiêu, đường, mỳ chính… rồi cho khoảng 5 g thịt cá/lần vào vừa giã vừa đảo đều đến khi thịt chuyển sang màu trắng đục, dính chặt vào chày thì được. Tùy vào kích cỡ, màu da của cá (cá màu trắng thịt nhiều hơn cá màu đen) mà tỷ lệ cá cho ra thành phẩm chả cá khác nhau, trung bình 2 kg cá tươi được khoảng 1 kg chả cá, hiện tại giá bán tại cơ sở là 220.000 đồng/kg. Bà Hai cho biết, cách đây 40 năm, gia đình bà đã làm bánh canh chả cá thát lát với nước dùng được nấu từ phần đầu và xương cá. Ban đầu chỉ một vài người ăn, thấy ngon, lạ nên người này chuyền đến tai người kia. Nay, nhu cầu thưởng thức chả cá được làm từ cá thát lát tăng cao nên bên cạnh làm bánh canh gia đình còn chế biến chả cá thát lát cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Để chả cá thơm, ngon tự nhiên thì nguyên liệu phải là những con cá tươi, mắt trong, thân cứng, thịt chắc. Sau khi mua về phải tập trung sơ chế ngay, nếu chưa làm kịp phải ướp vào ngăn đá tủ lạnh để giữ độ tươi, ngon của cá.

Theo các nhà ẩm thực, thát lát trước đây là loài cá hạ đẳng, giàu giá trị dinh dưỡng nhưng lại nhiều xương nhỏ, không được ưa chuộng, giá bán rẻ như cho nên chỉ nhà nghèo mới ăn. Điều đặc biệt hơn là chả cá thát lát càng giã nhuyễn, giã kỹ thì gia vị càng ngấm vào thịt, càng ngon. Thịt cá khi ăn có vị ngọt, tính bình, không độc và có tác dụng bổ huyết, rất tốt đối với những người ăn uống kém, suy nhược cơ thể… Bên cạnh các món ăn truyền thống như cơm lam, thịt nướng, gà tre hun khói… của các dân tộc bản địa thì sự góp mặt của loại đặc sản nổi tiếng từ Hồ Lak này làm phong phú bữa cơm cho thực khách mỗi khi đến Lak. 

Anh Ama Thái, chủ một cơ sở ăn uống tại buôn Lê, thị trấn Liên Sơn cho biết, khách du lịch đến tham quan Hồ Lak, sau khi cưỡi voi, ngắm cảnh thường gọi các món được chế biến từ chả cá thát lát như lẩu, chả cá thát lát chiên, cá thát lát nấu canh chua, canh khổ qua nhồi chả cá thát lát…

Ông Hoàng Ngọc Tài, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lak cho biết, nét đặc trưng của chả cá thát lát huyện Lak là được làm hoàn toàn từ thịt cá nên độ béo, dẻo, mịn cao và được chọn lựa để xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống của huyện. Để bổ sung nguồn nguyên liệu cho sản phẩm này, việc thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản cho Hồ Lak được địa phương thực hiện thường xuyên.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.