Multimedia Đọc Báo in

Khám phá "bảo tàng" xương cá voi Vạn Thủy Tú

09:58, 27/09/2014
Về cực Nam Trung Bộ, đến với Bình Thuận tham quan những danh thắng nổi tiếng như tháp cổ Pô Sha Inư, lầu Ông Hoàng, núi Tà Cú, chùa Cổ Thạch… hay nghỉ dưỡng ở Mũi Né, Hòn Rơm là chuyến đi hấp dẫn trong mùa hè, mùa lễ hội.
 
Có một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua, nằm tại trung tâm thành phố biển Phan Thiết thơ mộng, đó là dinh Vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng. Đây là nơi thờ thần Đông Hải - tức cá “Ông” theo tín ngưỡng của ngư dân vùng biển, với bộ xương cá “Ông” lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á.
 Bộ xương cá voi  dài 22 m.
Bộ xương cá voi dài 22 m.

Tại phòng trưng bày, ấn tượng nhất đối với du khách là bộ xương cá voi dài 22 m, được phục dựng gần như nguyên vẹn. Bạn có thể dùng tay sờ vào những ống xương, đốt xương trông cứng cáp như thép nguội! Đi tiếp vào gian giữa là khu vực thờ những vị thần biển như: Thủy Long Thánh Phi nương nương Tôn Thần, Đông Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, Hi Hoàng Thái Hiệu Tiên Sư Tôn Thần, Long Thần… Sau gian giữa là “tẩm” đựng hơn 100 bộ xương cá voi. Gần một nửa trong số đó có niên đại từ 100-150 năm, trong đó có những bộ xương to lớn được thờ phụng tôn nghiêm, kính cẩn. Gian cuối là nơi thờ tiền hiền - những người có công khai phá, lập vạn chài, cứu dân, giúp nước… Với một số hiện vật như: ông Ghè, thuyền chài, nón lá của dân quân bảo vệ biển được trưng bày đôi chỗ, du khách có cảm giác bóng dáng của quá khứ như còn lẩn khuất đâu đây, từ thuở tiền nhân ra đi mở cõi.

Dinh Vạn Thủy Tú xưa kia là một bãi cát rộng ven biển, lúc ấy còn rất hoang sơ. Đây là nơi an táng những “vị” cá “Ông” lụy (chết) trôi, dạt từ biển vào. Theo phong tục, ngư dân nào trông thấy “Ông” đầu tiên là người đó được làm “con trưởng” của “ngài” và có nhiệm vụ lo làm đám tang chu đáo, để tang ba năm. Trước Dinh Vạn Thủy Tú có một khu đất rộng để mai táng Ông gọi là Ngọc Lân Thánh Địa. Đây cũng là nơi diễn ra các lễ tế như tế xuân, cúng chính vụ, cúng mãn mùa… Nhưng quan trọng nhất vẫn là lễ hội cầu ngư, lễ hội chính của toàn thể ngư dân vùng Phan Thiết – Hàm Tân để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Truyền thuyết dân gian địa phương kể lại rằng: Sau khi xây xong Dinh, trời nổi bão dông mấy ngày đêm, mưa mù mịt không ngớt hạt. Sau ba ngày, mây tạnh trời quang, có một số ghe, tàu của ngư dân đánh cá bị kẹt ngoài khơi được “Ông” cứu giúp. Riêng “Ông” thì đã tử nạn vì kiệt sức khi kè cập, đưa tàu, ghe của ngư dân vào bờ an toàn. Do vậy những dân cư ở những làng chài ven biển từ Nam chí Bắc rất tôn kính “Ông”. Còn theo các nhà khoa học giải thích về hiện tượng cá “Ông” cứu người là do khi mưa bão, “Ông” bị sóng lớn dùi vập nên phải tìm điểm tựa để nương mình chống chọi với phong ba, bão táp. Tàu ghe của ngư dân được ông nương vào trở nên vững hơn. Cuối cùng cả hai sẽ được sóng đưa đẩy vào bờ. Có khi “Ông” đuối sức phải “lụy”. Cũng có khi “Ông” an toàn trở ra khơi khi biển bớt sóng gió.

Dinh Vạn Thủy Tú được ngư dân làng Thủy Tú xây dựng vào năm Nhâm Ngọ 1762 để thờ “cá Ông’. Kiến trúc dinh theo phong cách truyền thống của những làng chài ven biển Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Đầu tiên là  chính điện, nhà thờ tiền hiền, võ ca được bố trí theo hình chữ Tam, mặt chính quay về hướng Đông. Mái lợp ngói âm dương, trên nóc có hình tượng lưỡng long tranh châu, kỳ lân chầu, cá hóa long… Khi xưa, lúc mới xây dựng xong, cửa dinh sát ngay bờ biển; ngày nay dinh đã dời xa cách bờ biển hơn 100 m. Vạn (làng chài) Thủy Tú là một trong những vạn dân chài cổ xưa nhất của nghề biển ở Nam Trung Bộ. Bên trong dinh còn lưu giữ khá nhiều di sản văn hóa Hán - Nôm có liên quan đến nghề biển. Các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liên đối đều toát lên nội dung mô tả, thể hiện nghề biển của tiền nhân. Vạn Thủy Tú là một di tích cổ có nhiều sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặng. Có tất cả 24 sắc phong qua các đời vua : Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định (riêng vua Thiệu Trị ban tặng 10 sắc thần). Người ta giải thích rằng: Theo truyền thuyết, trong chiến tranh Nguyễn – Tây Sơn, các tướng lĩnh của Chúa Nguyễn  đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển.

Dinh Vạn Thủy Tú đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996. Hằng năm vào ngày 20-6 âm lịch, tại dinh Vạn Thủy Tú đều tổ chức lễ hội cầu ngư. Ở mỗi kỳ lễ hội, bà con tổ chức lễ với các nghi thức cúng tế trang trọng, bên cạnh đó còn có phần hội với hát chèo bả trạo, hát bội và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển như: hát bài chòi, thi đua thuyền, lắc thúng giữa các vạn chài được bà con ngư dân tham gia sôi nổi.

Về Nam Trung bộ, miền đất của biển xanh, cát trắng, nắng, gió mênh mang, phóng khoáng. Đến Vạn Thủy Tú chiêm ngưỡng “bảo tàng” xương cá voi lớn nhất Việt Nam, nghe kể chuyện cá “Ông” cứu người là một chuyến du hành bổ ích, thú vị.

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.