Đậm đà hương vị ẩm thực của người Mông Tây Bắc
Mưu sinh từ bao đời trên những triền núi cao và xa của miền đất Tây Bắc hùng vĩ, đồng bào Mông đã tạo dựng cho mình một vốn văn hóa mang đậm bản sắc, làm giàu đẹp cho “vườn hoa” văn hóa các dân tộc. Về những bản Mông ở Tây Bắc, sức hấp dẫn và vị đậm đà của những món ẩm thực đã dậy lên sự ấm áp và nét độc đáo về cuộc sống của đồng bào nơi đây…
Hội thi làm bánh dày của người Mông Mù Cang Chải (ảnh minh họa). |
Sống trên núi cao, quanh năm đối mặt với gió, mưa, nắng và mây mù, cây ngô là “người bạn” thiết thân của đồng bào Mông Tây Bắc. Dù ở điều kiện nào, địa bàn nào và khí hậu ra sao nhưng đồng bào Mông vẫn không quên gieo trồng cây ngô trên những triền đất núi như gieo vào đó sự sống của mình. Chính vì vậy, món ăn được chế biến từ ngô có mặt thường xuyên trong đời sống thường ngày của đồng bào. Với đặc thù đây là món dễ ăn, sẵn có, dễ chế biến và để được lâu nên hằng ngày, ngoài gạo thì ngô được coi là thực phẩm chính của người Mông. Người Mông Tây Bắc dùng ngô để chế biến món ăn độc đáo và mang đậm bản sắc của người Mông đó là món mèn nén. Ngô được xay thành bột, trộn nước cho đủ ẩm rồi nhào bột đồ chín lần đầu, đổ ra cho nguội, lại cho chút nước nhào đều và đồ tiếp lần nữa. Bột chín được đổ vào rá rồi dùng thìa xúc ăn với nước canh, rau, thịt và các thức ăn khác. Ngoài món mèn nén, người Mông còn dùng ngô để chế biến món bánh “láo khoải” hay còn gọi là “ráo khoải”. Người ta dùng bột ngô đồ chín lên rồi cho vào cối đá giã cho bột ngô quyện dẻo sau đó cho ra bàn đá nặn thành những chiếc bánh khoải hình bầu dục, có bề mặt từ 15-20 cm, sau đó quyện mỡ cùng mật ong trên bề mặt bánh. Bánh ráo khoải có thể để được dài ngày, khi ăn, người Mông có thể cắt nhỏ bánh và nướng trên than củi cho bánh phồng thơm. Loại bánh này thường được người Mông vùng Tây Bắc chế biến vào dịp lễ, tết hay làm để bán vào chợ phiên, rất được nhiều người ưa thích. Ngoài ra, người Mông nơi đây thường hay dùng bột nếp để chế biến bánh dày. Gạo nếp ngon được trồng trên núi cao, sau mùa gặt, đồng bào tập trung đồ xôi, giã bánh dày để mừng mùa lúa mới.
Đến những bản Mông ở Tây Bắc, những món ăn mặn để sử dụng với cơm hay mèn nén thường là những món do chính tay đồng bào làm ra và chế biến.
Đó là những món ăn tuy đơn sơ nhưng độc đáo và đậm đà. Đồng bào Mông Tây Bắc có thói quen treo, sấy thịt lợn và thú rừng trên gác bếp. Vì vậy, những món ăn như thịt lợn sấy xào cải nương, thịt lợn muối luôn mang lại những dư vị đậm đà khi thưởng thức. Đồng bào Mông còn chế biến món “khau nhục” trong các dịp lễ tết hay cưới hỏi. Đó là món ăn được chế biến khá cầu kỳ mà đậm đà dư vị. Còn thịt gà thì được chế biến thành các món như canh thịt gà, gà nướng hay tiết canh gà khá độc đáo. Những món ăn này được đồng bào Mông chế biến để tiếp khách quý từ phương xa đến hay vào dịp lễ hội ngay tại bản.
Tuy không gần những con suối như đồng bào Tày nhưng trong vốn ẩm thực của người Mông Tây Bắc, món cá suối luôn là một trong những món ăn hấp dẫn. Cá suối được bắt từ những con suối nhỏ chảy quanh những triền núi được đồng bào Mông chế biến thành các món như cá suối nướng giòn trên than củi, cá suối lam gói trong lá rong, cá suối nấu măng chua…
Cùng với thức ăn mặn thì các loại rau là món ăn không thể thiếu trong ẩm thực ở bản Mông. Đồng bào Mông Tây Bắc thường gieo hạt cải để có món cải nương thơm ngon vào mỗi độ thu về. Cải nương của người Mông Tây Bắc xanh ngắt, sạch và giòn. Đó là món rau chính để đồng bào chế biến các món ăn như canh cải nương, cải nương xào thịt lợn sấy, món dưa cải nương… Ngoài ra, người Mông còn lấy từ rừng những loại rau như: rau ngót rừng, các loại nấm, măng, hoa chuối, lõi chuối non, quả bứa, vả, dâu da, chôm chôm rừng thường được xào nấu hoặc ăn sống như các loại quả cây.
Trải qua từ đời này sang đời khác, chuyện ăn, chuyện mặc đối với đồng bào Mông vùng Tây Bắc không đơn thuần là nhu cầu về vật chất mà thực sự đã trở thành những nét văn hóa mang đậm bản sắc. Tuy cuộc sống có những khó khăn, có thay đổi nhưng đồng bào Mông Tây Bắc luôn gìn giữ văn hóa ẩm thực, coi đó là phong tục, tập quán bền vững của dân tộc mình.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc