Hóa thân cho lũa gỗ
Những gốc cây, lõi gỗ đủ chủng loại tưởng chừng như vô tri kia, dưới bàn tay của người thợ chạm khắc bỗng hóa thân sống động đến lạ kỳ. Người hóa thân cho lũa gỗ ấy là hai thanh niên còn khá trẻ ở thôn 1, xã Cư Êbur-TP. Buôn Ma Thuột.
Anh Sơn đang hoàn thiện sản phẩm. |
Anh Nguyễn Văn Sơn, anh ruột của Phương thì chia sẻ: làm nghề này không vội vàng được, phải kỳ công và tỉ mẩn. Sơn là thợ chạm khắc chính của cơ sở mộc mỹ nghệ tại địa chỉ trên và anh là người có vai trò đục tinh cho sản phẩm. Đã hơn mười năm trong nghề nên người thợ này đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm. Theo anh Sơn, để tạo ra bất kỳ một sản phẩm nào đó là không khó, sự tinh tế và mỹ thuật chính là phải nhìn ra, tận dụng tối đa yếu tố tự nhiên có trong từng lũa gỗ. Ví như sản phẩm “Lưỡng long chầu nguyệt” chẳng hạn, trong thân lũa gỗ (cẩm lai) có lằn vân màu vàng óng hiện lên theo vòng xoáy đồng tâm tròn trịa thì phải tìm mọi cách giữ lại và thể hiện nó như một vầng nguyệt (mặt trăng) sinh động, giàu biểu cảm cho sản phẩm. Tương tự, những sản phẩm khác cũng thế, cứ nương theo từng đường vân, thớ gỗ mà tạo hình thì sẽ có hình tượng mỹ thuật đẹp. Có lẽ bí quyết thành công của hai anh em Sơn và Phương nằm ở đó, nên sản phẩm họ làm ra rất được dân chơi lũa gỗ ưa chuộng. Anh Nguyễn Phú Hùng, một chủ cửa hiệu mộc mỹ nghệ ở Nha Trang-Khánh Hòa đánh giá: Lũa gỗ làm ra từ đôi bàn tay của hai anh em nhà này đều rất tuyệt, sản phẩm anh nhập về từ đây rất được khách hàng lựa chọn. Vì thế từ mấy năm qua, anh Hùng là đối tác thường xuyên của cơ sở gỗ mỹ nghệ trên. Theo anh Hùng, trong bối cảnh gỗ rừng bị triệt hạ nặng nề như hiện nay để thỏa mãn nhu cầu của con người, trong đó có thú chơi gỗ như độc bình và tượng các loại… thì việc chọn lũa gỗ (nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi ấy) để sáng tạo và hóa thân nó trở thành những sản phẩm mỹ nghệ đẹp, có giá trị kinh tế cao như hai anh em Sơn, Phương là hướng đi phù hợp, vừa là sinh kế cho bản thân, vừa có ích cho cộng đồng và xã hội.
Trong câu chuyện này, cả hai người thợ trẻ ấy cũng đồng tình như thế. Vì thế, khi học hết cấp 3, hai anh em đã khăn gói ra quê cũ của mình - làng nghề mộc mỹ nghệ Hải Minh (huyện Hải Hậu, Nam Định) để học nghề. Hơn 10 năm qua, nghề này đã giúp họ có cuộc sống ổn định và ngày càng khá giả. Anh Phương tâm sự: ““Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cha ông dạy chí phải!”. Bởi vậy họ không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để làm ra sản phẩm ngày một hoàn mỹ hơn. Anh Phương còn cho biết thêm: hiện đang thu nhận bốn học trò ở tại địa phương vào học nghề này và hy vọng đây là sinh kế để các em tạo lập cuộc sống ổn định sau này như bản thân mình vậy.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc